Mách mẹ cách nghe nhạc thai giáo tốt nhất cho thai nhi theo từng giai đoạn
Đăng ngày 18/08/2023
Phương pháp thai giáo bằng nhạc
Có thể nói, âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng đối với con người, giúp cho chúng ta thư giãn, xoa dịu tâm hồn, làm cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Vậy nhạc thai giáo là gì? Có khác gì âm nhạc bình thường không?
Phương pháp thai giáo bằng âm nhạc là gì?
Phương pháp thai giáo bằng âm nhạc là quá trình tương tác với em bé bằng âm nhạc từ khi còn ở trong bụng mẹ. Với phương pháp thai giáo âm nhạc, cả mẹ và thai nhi sẽ cùng nghe nhạc, từ đó đạt được nhiều lợi ích về cả thể chất lẫn tinh thần cho cả mẹ và con.
Nhạc thai giáo giúp tinh thần của người mẹ trở nên vui vẻ, thoải mái, tâm trạng của mẹ được thư giãn thông qua đó kích thích trí não và cảm xúc của bé từ khi còn ở trong bụng mẹ. Đồng thời phương pháp giáo dục thai nhi bằng âm nhạc cũng góp phần hình thành nhiều tính cách tốt cho bé sau này.
Nhạc thai giáo là gì?
Cho thai nhi nghe nhạc có tác dụng gì?
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định rằng thai nhi có khả năng nhận biết tốt và phản ứng với âm thanh của thế giới bên ngoài. Ngoài tác động tích cực đến cảm xúc của người mẹ, cho thai nhi nghe nhạc có nhiều tác động quan trọng tới sự phát triển, cụ thể:
- Âm nhạc sẽ giúp thính giác và não bộ của bé phát triển hoàn thiện và tốt hơn. Ở tam cá nguyệt thứ 2, tế bào thính giác bắt đầu biệt hóa mạnh, nhất là những tế bào ở khu vực cung mang hai bên (tương ứng với vùng tai khi thai đã trưởng thành). Sự tác động tích cực của âm nhạc sẽ kích thích các tế bào thính giác tạo nên các xung động kích thích vỏ não, từ đó kích thích các tế bào cảm thụ âm thanh của bán cầu não bên đối diện thông qua thể chai, làm cho não của trẻ phát triển tốt hơn. Con sinh ra thông minh hơn và sớm có thể nhận biết, phân biệt được các loại âm thanh khác nhau.
- Góp phần tăng khả năng ghi nhớ cho bé khi chào đời, và không chỉ riêng với âm nhạc mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra âm nhạc có liên hệ chặt chẽ đến trí nhớ. Điều này rất dễ nhận thấy khi nghe một bài hát, giai điệu nào đó phù hợp với tâm trạng sẽ khiến chúng ta nhớ về các kỷ niệm gắn với giai điệu đó.
- Sớm tiếp xúc với âm nhạc giúp bé có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt khi được tiếp xúc, học tập với âm nhạc sau này.
- Khi mẹ nghe nhạc với tinh thần vui vẻ, cảm xúc tích cực, những “hormone hạnh phúc” cũng sẽ nuôi dưỡng thai nhi và trong tương lai những em bé này có xu hướng sẽ trở thành những người thông minh, sáng tạo, hòa đồng…
- Âm nhạc tăng tình yêu thương, gắn kết tình mẫu tử, giúp việc thai giáo trở thành những giây phút thư giãn, chia sẻ tâm tư.
Âm nhạc tạo ra những "hormone hạnh phúc" truyền cho thai nhi
Cho thai nhi nghe nhạc bằng cách nào?
Khi nào cho thai nhi nghe nhạc
Từ khoảng tuần thứ 18, thính giác của con bắt đầu hình thành, và nó phải mất đến 6 tuần trong bụng mẹ để hoàn thiện. Trong thời gian này, xương tai trong và đầu mút thần kinh não đã phát triển đầy đủ để bé có thể nghe thấy mọi âm thanh như tiếng tim mẹ đập nhịp nhàng hay tiếng máu chảy đều đặn qua cuống rốn. Vào tuần thứ 26, thai nhi có thể đáp lại âm thanh và rung động từ bụng mẹ.
Vậy nên, phương pháp thai giáo bằng âm nhạc có thể thực hiện từ tuần thai thứ 18 vì lúc này thai nhi mới cảm nhận được âm thanh từ bên ngoài bụng mẹ. Mẹ cũng có thể nghe nhạc thai giáo ngay từ những tuần thai đầu tiên để luôn duy trì sự thoải mái, giảm căng thẳng cũng sẽ tốt cho sức khỏe thai kỳ.
Cho thai nhi nghe nhạc vào thời gian nào?
Mẹ có thể chọn thời điểm nghe nhạc thai giáo trước lúc đi ngủ hoặc khi đang thư giãn trong phòng hoặc trong nhà tắm.
Bên cạnh đó mẹ nên nghe nhạc khoảng 20 phút/lần, 2–3 lần/ ngày hoặc tối đa 1 giờ mỗi ngày. Không nên cho bé nghe nhiều hơn thời lượng nói trên. Tiếp xúc với âm nhạc quá nhiều có thể kích thích bé quá mức. Mẹ cũng có thể cân nhắc kết hợp nhạc thai giáo với các phương pháp thai giáo khác như truyện thai giáo, thơ thai giáo (bằng cách đọc truyện/thơ cho bé trên nền nhạc nhẹ).
Cho thai nhi nghe nhạc âm lượng bao nhiêu?
Nhiều người hiểu sai rằng em bé trong bụng mẹ không thể nghe nhạc trừ khi âm lượng được bật to. Tuy nhiên, nước ối là một chất dẫn âm tốt, việc bật âm lượng quá to sẽ khiến bé yêu bị tổn thương não bộ và thính giác. Cách tốt nhất để nghe nhạc cho bà bầu và thai nhi là nên nghe nhạc bằng loa ngoài với âm lượng không nên quá 50dB. Mẹ cũng nên tránh đặt tai nghe hoặc loa trực tiếp lên bụng.
Giáo sư Y học Âm nhạc - Rosalie Pratt tại Đại học Brigham Young đã đưa ra một số nghiên cứu trên động vật cho thấy mức độ tiếp xúc liên tục với âm nhạc hỗn loạn, ồn ào làm thay đổi cấu trúc não bộ.
Mẹ lưu ý cách nghe nhạc và tần suất nghe nhạc thai giáo phù hợp
Nhạc thai giáo hay cho thai nhi
Hiện nay, có rất nhiều loại nhạc thai giáo dành cho mẹ bầu. Ở mỗi giai đoạn của thai kỳ mẹ có thể lựa chọn những loại nhạc phù hợp với tâm sinh lý giai đoạn đó để đạt hiệu quả thai giáo tốt nhất.
Nhạc thai giáo 3 tháng đầu
3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm mẹ bầu bị ốm nghén, mệt mỏi. Theo một nghiên cứu được đăng trên báo The Guardian, mẹ bầu bị căng thẳng quá mức ở giai đoạn đầu thai kỳ sẽ ảnh hưởng tới trí não và sự phát triển của thai nhi. Một trong những nguyên nhân là do tâm trạng lo lắng khiến cơ thể sẽ tiết ra hormone cortisol cao. Loại hormone này tác động lên hệ thần kinh của thai nhi gây ra các chứng tự kỷ, tăng động sau khi sinh ra.
Thai nhi cũng chưa hoàn thiện thính giác hay não bộ đủ để có thể tương tác, phản ứng lại với âm thanh bên ngoài bụng mẹ. Vì vậy nhạc thai giáo 3 tháng đầu chủ yếu tác động trực tiếp đến mẹ bầu, giúp mẹ bầu xoa dịu những cảm xúc căng thẳng, khó chịu khi bắt đầu thay đổi nội tiết tố mạnh mẽ. Khi mẹ bầu nghe nhạc một cách vui vẻ, thoải mái, thai nhi sẽ gián tiếp được nhận “hormone hạnh phúc” từ mẹ và lớn lên trong môi trường nước ối lý tưởng nhất về mặt cảm xúc.
Vì vậy khi nghe nhạc thai giáo 3 tháng đầu mẹ có thể lựa chọn nghe những bài hát mà mẹ yêu thích, ưu tiên nhạc nhẹ như các bản piano hoặc các âm thanh thiên nhiên như tiếng nước chảy, chim hót…
Nhạc thai giáo 3 tháng đầu
Nhạc thai giáo 3 tháng giữa
Đây là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh mẽ tất cả các bộ phận đặc biệt là hệ thần kinh và thính giác.Tuần thứ 18, thai nhi bắt đầu nghe rõ âm thanh. Tuần thứ 24, thai nhi bắt đầu trở nên nhạy cảm với âm thanh. Mẹ bầu cũng cảm giác nặng nề hơn do kích thước thai nhi tăng lên.
Mẹ bầu vẫn có thể nghe nhạc thai giáo êm dịu thư giãn như ở giai đoạn trước. Đồng thời kết hợp thêm đa dạng nhạc thai giáo vui nhộn, nhạc thai giáo hát ru, nhạc thai giáo cổ điển hoặc nghe nhạc phật cho thai nhi đều được. Không chỉ giai điệu mà ca từ tương sáng tích cực cũng tác động tốt để kích thích phát triển não bộ cũng như thể chất của bé khi chào đời.
Một số bản nhạc thai giáo 3 tháng giữa thai kỳ mẹ bầu có thể tham khảo như:
- July in the wind
- Peter and the wolf - Sergey Prokofiev
- Symphony no5 - Beethoven
- Kinderszenen - Robert Schumann
- Brahms’ Lullaby - Johannes Brahms.
- "The four seasons" - Bản giao hưởng violin - tác giả Antonio Vivaldi.
Nhạc thai giáo 3 tháng giữa
Nhạc thai giáo 3 tháng cuối
Giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi có thể phản ứng nhiều hơn với âm nhạc bởi vì hệ thần kinh và giác quan đã phát triển hoàn chỉnh. Vì vậy, thai giáo bằng âm nhạc đều đặn và đúng cách mỗi ngày sẽ đem lại những lợi ích to lớn như đã chia sẻ ở phần đầu bài viết.
Bên cạnh đó các mẹ bầu nghe nhạc thai giáo thường xuyên cũng sẽ giảm căng thẳng và giữ được trạng thái cảm xúc tốt khi lâm bồn, giảm lo lắng ở những ngày cuối trước khi sinh bé. Một số bản nhạc thai giáo 3 tháng cuối thai kỳ mẹ có thể lựa chọn nghe cùng con mỗi ngày như:
- Nhạc cổ điển: Carnival of the Animals (Lễ hội của động vật) – Saint-Saëns, Swan Lake (Hồ thiên nga) – Tchaikovsky, Für Elise (Quốc trưởng Elise) – Beethoven.
- Nhạc Jazz: Diary Of Love, Thinking About You, You Must Love Me, Lost In Paradise, Happy Birthday, Tears Dry On Their Own.
- Nhạc thiếu nhi, nhạc vui nhộn: Quả gì, Cả nhà thương nhau, Liên khúc tập thể dục buổi sáng, Năm chú vịt con, Trái đất này là của chúng mình, Bé tập đánh răng, Baby Shark, Twinkle twinkle little star, Wheel on the bus.
- Các liên khúc nhạc nhẹ nhàng về quê hương, nhạc hát ru, nhạc quê hương…
Một số hiểu lầm nên tránh về nhạc thai giáo cho thai nhi
Dù là phương pháp thai giáo đơn giản và gần như là phổ biến nhất nhưng vẫn có không ít những quan niệm sai lầm về nhạc thai giáo. Dưới đây là một số hiểu lầm phổ biến về việc cho thai nhi nghe nhạc:
- Thai nhi sẽ trở nên thông minh hơn nếu nghe nhạc từ sớm: Một số người tin rằng cho thai nhi nghe nhạc sẽ làm cho họ thông minh hơn và phát triển trí tuệ nhanh hơn. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học cụ thể cho việc nghe nhạc ảnh hưởng trực tiếp đến trí tuệ của thai nhi. Phát triển trí tuệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, môi trường sống và giáo dục sau này.
- Thai nhi nên nghe nhạc cổ điển để phát triển: Một số người tin rằng chỉ có nhạc cổ điển mới có lợi cho thai nhi, nhưng thực tế là thai nhi có thể phản ứng tích cực với nhiều loại nhạc khác nhau. Quan trọng là chọn nhạc dễ nghe, nhịp điệu êm dịu và không gây căng thẳng cho thai nhi.
- Thai nhi cần nghe nhạc liên tục: Nghe nhạc quá nhiều hoặc quá lớn có thể làm cho thai nhi bị kích động hoặc không thoải mái. Thay vì nghe nhạc liên tục, nên lắng nghe phản hồi của thai nhi và chỉ nghe nhạc khi cảm thấy thai nhi có phản ứng tích cực hoặc khi muốn tạo môi trường thư giãn cho thai kỳ.
- Nghe nhạc bằng thiết bị nào cũng được và có thể nghe bằng điện thoại di động: Với sự tiện lợi của smartphone, nhiều mẹ bầu lầm tưởng rằng, âm nhạc phát ra từ điện thoại cũng giống như từ đài hoặc máy nghe nhạc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên chuột của trường đại học Yale, thì bức xạ từ điện thoại làm giảm trí nhớ cho chuột con khi sinh ra. Do vậy, nguy cơ bức xạ điện thoại tác động xấu đến não bộ thai nhi là rất cao. Mẹ bầu nên sử dụng thiết bị chuyên dụng là tai nghe thai nhi. Loại tai nghe này được thiết kế với tần số rất thấp nên rất an toàn cho thính giác của thai nhi.
Không phải nghe nhạc thai giáo càng nhiều thì càng tốt
Hy vọng bài viết đã giúp mẹ bầu có thêm nhiều thông tin hữu ích về nhạc thai giáo và cách áp dụng phương pháp này hiệu quả hơn trong thai kỳ. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc!