Thai giáo là gì? Những điều cơ bản mẹ cần biết để thai giáo đạt hiệu quả
Đăng ngày 18/08/2023
Nội dung chính |
Thai giáo là gì?
Dù chưa sinh ra nhưng hệ thống thần kinh và não bộ của thai nhi đã phát triển đủ để có thể tiếp nhận và xử lý các kích thích từ môi trường bên ngoài: cảm nhận âm thanh, nhịp tim, ánh sáng... Do đó, có thể nói rằng thai nhi có khả năng học tập ngay từ khi trong bụng mẹ. Vì vậy, nhiều cha mẹ đã lựa chọn thai giáo để giúp trẻ tiếp nhận và phản ứng tốt hơn với các kích thích từ bên ngoài môi trường.
Khái niệm thai giáo
Hiểu đơn giản, thai giáo là tổng hợp các phương pháp khác nhau được mẹ bầu áp dụng để tác động tới sự phát triển của thai nhi. Những phương pháp này giúp bé phát triển về thể chất lẫn tinh thần: phát triển các giác quan, khỏe mạnh, thông minh hơn, nuôi dưỡng cảm xúc…
Thai giáo cũng bao gồm việc chuẩn bị cho quá trình sinh đẻ, hướng dẫn về cách chăm sóc và nuôi dưỡng sau khi sinh, cũng như giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa cha mẹ và thai nhi từ giai đoạn sớm nhất.
Thai giáo là tổng hợp các phương pháp khác nhau tác động tới sự phát triển của thai nhi
Cơ sở khoa học của thai giáo
Nhiều người cho rằng phương pháp thai giáo là không cần thiết bởi khi em bé trong bụng mẹ chưa thể mở mắt hay tương tác rõ ràng với bên ngoài. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều ngược lại. Cụ thể như sau:
- Nhiều nghiên cứu khoa học từ các nước phát triển như Anh, Mỹ đã chứng minh thính giác của thai nhi phát triển ngay từ giai đoạn thứ hai của thai kỳ. Vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, hàng triệu tế bào thần kinh bắt đầu thực hiện chuyển dịch giúp thính giác phát triển hơn. Nhà Thần kinh nhận thức học Eino Partanen của Đại học Helsinki (Phần Lan) đã chỉ ra rằng ở 3 tháng cuối của thai kỳ, em bé có thể nghe được được nhịp điệu của lời nói, nhịp điệu của âm nhạc…
- Ở tháng thứ 6 của thai kỳ, thai nhi có thể phân biệt ánh sáng trong dạ con. Vào khoảng tuần thứ 20, tim của thai nhi gia tăng nhịp đập chút đỉnh thông qua thí nghiệm soi một bóng đèn phía trước tử cung bà mẹ sáng lên. Đó là phản ứng đầu tiên về thị giác của thai nhi.
- Mới vào tuần thứ 7, vài nơi trên cơ thể thai nhi đã nhạy cảm với những cái chạm từ bên ngoài. Cơ thể bé sẽ có phản ứng xúc giác vào tuần thứ 13 hay 14. Những cử động của mẹ đều được trẻ nhận và đáp ứng lại. Khi đó mẹ bầu nhận thấy khi chạm vào bụng, thai nhi sẽ cựa mình hoặc đáp lại bằng một cách nào đó như đạp.
- Khi khảo sát những đứa trẻ bị sinh sớm, người ta nhận thấy chúng đã có phản ứng với mùi bạc hà ở tuần lễ thứ 29 trong bụng mẹ. Tới tuần lễ thứ 36 thì thai nhi đã có phản ứng hoàn toàn với mùi.
- Nước ối - chất lỏng trong bụng mẹ bao bọc lấy thai nhi. Các phân tử mùi thấm vào nước ối cũng được thai nhi cảm nhận và nhớ lại. Người ta nhận thấy những bé mới chào đời thích mùi và vị của thực phẩm mà mẹ dùng trong thời kỳ thai nghén.
Như vậy, nhờ sự phát triển của y học, các nhà khoa học nhận ra thực tế thai nhi đã “học” từ rất sớm khi mới thành hình. Chính vì thế, thai giáo đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích tốt cho cả mẹ bầu và bé thông qua nhiều cách khác nhau.
Thai nhi đã có khả năng "học tập" từ rất sớm
Ý nghĩa của thai giáo trong việc chăm sóc thai nhi và sức khỏe mẹ bầu
Thực tế đã cho thấy, những bé con đã được tiến hành thai giáo bằng âm nhạc, ngôn ngữ, thể thao, dinh dưỡng,… thường sẽ phát triển toàn diện hơn cả về tâm lý và sinh lý.
Đối với mẹ bầu:
- Trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ tốt cho bố mẹ trong việc nuôi dạy con
- Gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và em bé.
- Phòng tránh trầm cảm hoặc các trạng thái tâm lý tiêu cực cho mẹ bầu.
Đối với thai nhi:
- Phát triển đồng đều các giác quan giúp trẻ sau này sẽ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn.
- Phát triển khả năng ngôn ngữ sớm và tốt hơn.
- Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho con.
- Hỗ trợ phát triển trí não.
Phương pháp thai giáo
Người ta chia thai giáo ra làm 2 loại chính là thai giáo trực tiếp và thai giáo gián tiếp. Mỗi kiểu sẽ tác động tới khía cạnh khác nhau trong quá trình phát triển của thai nhi.
Thai giáo trực tiếp
Phương pháp thai giáo trực tiếp là cách thai giáo tác động tới 5 giác quan: xúc giác - thị giác - thính giác - khứu giác - vị giác. Thai nhi tiếp nhận thai giáo trực tiếp chủ yếu qua thính giác và xúc giác. Vì thế thai giáo trực tiếp phần nhiều là thông qua âm thanh và vận động. Các phương pháp thai giáo ánh sáng, thai giáo xúc giác… cũng đem lại nhiều lợi ích toàn diện cho thai nhi. Cụ thể:
- Thai giáo vận động: là việc mẹ bầu thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, phù hợp để bước đầu kích thích sự phát triển đại não cũng như cơ bắp của thai nhi. Hình thức thực hiện có thể là tập yoga cho bà bầu hoặc các bài tập đơn giản khác dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
- Thai giáo âm thanh: được thực hiện thông qua việc nghe nhạc hoặc trò chuyện với thai nhi. Dù chưa thể hiểu được những âm thanh này nhưng nhờ vậy mà quá trình làm quen với ngữ điệu của con sẽ dần hình thành và phát triển. Từ đó con có khả năng thích ứng với ngôn ngữ của đại não khi lớn lên.
- Thai giáo ánh sáng (thị giác): kích thích lên thị giác của thai nhi thông qua việc chiếu đèn hoặc các nguồn sáng khác (ánh mặt trời) lên bụng. Thai nhi sẽ phản ứng thông qua việc cử động hướng về phía nguồn sáng.
- Thai giáo xúc giác: là chuỗi các bài tập dùng lực (ấn, xoa, vỗ về…) tác động nhẹ nhàng đúng cách lên bụng mẹ để truyền những rung động qua nước ối. Thông qua đó trẻ sẽ cảm nhận được những kích thích về xúc giác, tăng khả năng phản ứng, cử động…(Tìm hiểu thêm phương pháp thai giáo haptonomy)
- Thai giáo vị giác: Vị giác là công cụ giúp thai nhi cảm thụ sự kích thích từ bên ngoài. Đến hết tháng thứ 4 thai kỳ thì cơ quan cảm thụ vị giác trên đầu lưỡi của thai nhi hình thành hoàn toàn và có sự phân biệt các vị rõ rệt. Những gì mẹ ăn uống đều sẽ đi vào trong tử cung và thai nhi đều cảm nhận được mùi vị khác nhau của thức ăn.
Thai giáo trực tiếp tác động lên 5 giác quan
Thai giáo gián tiếp
Thai giáo gián tiếp là quá trình tác động đến thai nhi thông qua việc chăm sóc cơ thể người mẹ khỏe mạnh. Lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cân đối… sẽ giúp thai nhi cảm nhận được suy nghĩ và cảm xúc tích cực từ người mẹ nhờ sản sinh ra các chất nội tiết có lợi. Phương pháp thai giáo gián tiếp từ đó góp phần hình thành nên tính cách của em bé sau này.
Các cách thai giáo gián tiếp như:
- Thai giáo dinh dưỡng: Dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi. Thậm chí từ tuần thai thứ 13, thai nhi đã bắt đầu hình thành được vị giác. Vì vậy mẹ bầu cần lưu ý chế độ ăn đủ chất, đủ lượng và cân đối để không ảnh hưởng xấu đến con.
- Thai giáo tri thức: Kể cả trong khi mang bầu, việc mẹ học tập, tiếp nhận và xử lý các thông tin, kiến thức mới cũng sẽ giúp kích thích não bộ cho thai nhi, thúc đẩy phát triển hệ thần kinh não bộ cho con.
- Thai giáo mỹ thuật: Thai giáo theo phương pháp mỹ thuật là hình thức thai giáo bằng mỹ học. Mẹ sẽ là người cảm nhận những cái đẹp (ngắm cảnh đẹp, tranh vẽ…) để giúp bồi dưỡng tính cách, tình cảm, thái độ cũng như khả năng cảm thụ cái đẹp của trẻ khi lớn lên.
Thai giáo gián tiếp quan trọng nhất là thai giáo dinh dưỡng
Lưu ý khi thai giáo
Mỗi phương pháp thai giáo đều được khuyến khích thực hiện đúng thời điểm và đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được điều này. Vẫn có nhiều quan niệm sai lầm xoay quanh vấn đề thai giáo mà nhiều gia đình mắc phải.
Có phải càng thai giáo sớm con càng thông minh?
Chính vì những lợi ích của thai giáo mà nhiều ba mẹ vẫn lầm tưởng thai giáo càng sớm con sẽ càng thông minh, tài năng xuất chúng. Thực tế, mỗi phương pháp thai giáo tương ứng với một vài thời điểm phát triển về mặt sinh học của thai nhi. Nếu thai giáo quá sớm hoặc quá muộn đều sẽ không mang lại kết quả tối ưu.
Mặt khác, việc nhồi nhét quá nhiều những thứ bố mẹ cho là tốt như bồi bổ thức ăn, nghe nhạc, đọc sách…quá nhiều thời gian trong ngày một cách máy móc, cứng nhắc cũng đi ngược lại với mục đích ban đầu của việc thai giáo.
Thời điểm nên bắt đầu thai giáo
Thai giáo trực tiếp thông qua các giác quan khuyến khích được thực hiện nhiều nhất từ tuần thứ 13-18 của thai kỳ. Thai giáo gián tiếp thông qua dinh dưỡng, thẩm mỹ có thể bắt đầu ngay từ khi mới mang thai, đặc biệt là thai giáo dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bố mẹ nên dựa vào các cột mốc phát triển của em bé để lựa chọn phương pháp thai giáo phù hợp.
Một số sai lầm thường gặp khi thai giáo
- Kỳ vọng thai giáo càng sớm, càng nhiều thì con sẽ trở thành “thần đồng”. Mặc dù các tổ chức chăm sóc sức khỏe mẹ và bé khuyến cáo thai giáo để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho thai nhi từ trong bụng mẹ và chuẩn bị nền tảng cho sự thích nghi với môi trường bên ngoài, nhưng không ít bà mẹ lại chỉ quan tâm thai giáo với mục tiêu cuối cùng là để con thông minh xuất chúng.Quan điểm sai lầm này khiến việc thai giáo vô tình phản tác dụng và không mang lại kết quả như mẹ kỳ vọng.
- Chỉ nghe nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng… mang tính hàn lâm bác học trong khi bản thân không thực sự cảm nhận được cái hay. Thậm chí cũng không cảm thấy hứng thú mà chỉ nghĩ như vậy là tốt cho sự phát triển não bộ của con.
- Nghĩ rằng con ở trong bụng nên mọi âm thanh khi tác động đều để âm lượng lớn.
- Có thói quen xoa bụng bầu liên tục. Hành động xoa, vuốt mạnh tay vô tình có thể kích thích các cơn co tử cung và gây ra sinh non, nặng hơn có thể dẫn đến sảy thai.
- Lạm dụng thai giáo ánh sáng. Việc chiếu ánh sáng quá mạnh trong thời gian quá lâu cũng khiến thị giác non nớt của con bị ảnh hưởng dù là ở trong bụng mẹ.
- Không chú trọng đến việc trò chuyện với thai nhi và cảm xúc của mẹ bầu. Khoa học đã chứng minh rằng, tinh thần của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thai nhi. Đồng thời việc trò chuyện với con (bất kể áp dụng phương pháp thai giáo nào) cũng cần thiết bởi ngôn ngữ sẽ được trẻ tiếp thu ở dạng ký ức và phát triển về sau khi não bộ hoàn thiện dần ở giai đoạn ngoài thai kỳ.
Thai giáo cho con nhưng cần chú trọng đến sức khỏe và cảm xúc của mẹ bầu
Những trường hợp mẹ bầu cần cẩn trọng khi áp dụng thai giáo
Dù các phương pháp thai giáo đều có tính phổ biến và dễ áp dụng nhưng mẹ vẫn cần cẩn trọng khi áp dụng bởi thể trạng mỗi người là khác nhau. Một số trường hợp mẹ bầu nên lưu ý và cẩn trọng khi áp dụng thai nhi như:
- Mẹ bầu đang gặp các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp, bệnh tim mạch… cần phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn và điều chỉnh phương pháp thai giáo phù hợp.
- Tiền sử lưu thai hoặc sảy thai, sức khỏe thai sản yếu cần có quy trình theo dõi đặc biệt, nhất là khi áp dụng những phương pháp thai giáo trực tiếp như thai giáo vận động.
- Tình trạng tâm lý không ổn định cũng cần có sự giám sát và hỗ trợ tinh thần khi cần thiết. Tránh việc áp dụng thai giáo miễn cưỡng, thai giáo trong tâm trạng không vui vẻ…
Qua bài viết này hy vọng mẹ đã có thêm những kiến thức xung quanh câu hỏi thai giáo là gì. Việc tác động thai giáo lên thai nhi, không phải nhằm mục đích tạo ra những thiên tài mà đơn giản là để thai nhi cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ. Từ đó con sẽ có cơ hội phát triển hơn cả về thể chất và đời sống trí tuệ, tinh thần về sau. Vì vậy, ba mẹ hãy tìm hiểu thật kỹ càng để lựa chọn được cách thai giáo phù hợp nhé!