Trẻ bị nôn nhiều lần: Coi chừng 5 bệnh lý nguy hiểm!
Đăng ngày 07/11/2021
Nôn là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng có áp lực. Trẻ có thể nôn nhiều hoặc ít, tùy nguyên nhân do sinh lý hay bệnh lý để đánh giá mức độ nguy hiểm.
Trẻ bị nôn do sinh lý
Trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hóa còn yếu, cộng thêm việc dạ dày ở vị trí nằm ngang và chưa có độ cong như người trưởng thành, cơ thắt tâm vị hoạt động kém. Do đó, trẻ rất dễ bị nôn trớ nếu ba mẹ không chăm sóc đúng cách.
Một số nguyên nhân có thể khiến bé bị nôn như: sau khi ăn quá no, cười đùa nhiều, ngộ độc thức ăn hoặc khi trẻ bị ốm, cơ thể mệt mỏi, khả năng tiêu hóa kém cũng dẫn đến tình trạng nôn mửa...
Trường hợp trẻ bị nôn do sinh lý sẽ không diễn ra thường xuyên và không gây nguy hiểm, trẻ vẫn vui vẻ, khỏe mạnh, ăn uống, tăng cân đều…. thì cha mẹ không cần quá lo lắng.
Trẻ bị nôn nhiều lần do bệnh lý
Ở một số trường hợp khác, trẻ bị nôn nhiều lần hoặc diễn ra trong thời gian dài thì cha mẹ cần coi chừng, đây có thể là biểu hiện của 1 số bệnh lý như:
1. Trào ngược dạ dày
Bé bú mẹ xong bị nôn hoặc có dấu hiệu kích thích muốn nôn nhưng không nôn được thì nhiều khả năng bé đang trong tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh lý này sẽ khiến trẻ nôn trớ ra nhiều và thường xuyên mặc dù ăn không quá no.
2. Nhiễm trùng đường ruột
Trẻ dưới 12 tháng hoạt động của hệ tiêu hóa còn kém nên dễ mắc các bệnh về đường ruột như: viêm dạ dày, viêm ruột, lồng ruột, teo tá tràng. Khi gặp phải tình trạng này, bé sẽ bị nôn trớ nhiều lần và kèm theo sốt, phát ban, dịch nôn bất thường, quấy khóc do đau bụng.
3. Hẹp phì đại môn vị
Hẹp phì đại môn vị là một bệnh lý bẩm sinh ở đường tiêu hóa, phần nối liền giữa dạ dày và ruột non (hay còn gọi là lớp cơ môn vị) bị dày lên và gây hẹp lại, khiến quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày bị cản trở. Từ đó khiến trẻ bị nôn nhiều lần liên tục trong ngày. Kèm theo các biểu hiện: mất nước, mệt mỏi, chậm tăng cân…
4. Viêm dạ dày ruột do virus hoặc vi khuẩn
Bé bị nôn nhiều lần, cứ 5 - 30 phút/ lần và tình trạng này có thể kéo dài từ 1 cho đến 12 giờ đầu, kèm theo các biểu hiện đau bụng, sốt cao, thậm chí tiêu chảy thì rất có thể do viêm dạ dày ruột do virus hoặc vi khuẩn.
⇒ Có thể mẹ quan tâm: triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em
5. Lồng ruột
Trẻ bị nôn nhiều lần không sốt nhưng không muốn ăn uống, hay bị đau bụng nhưng không đi tiêu được thì rất có thể bé bị lồng ruột. Mẹ có thể quan sát thêm 1 số biểu hiện như: trẻ thường co chân về phía bụng, người nhợt nhạt, có thể có máu trong phân hay đi ngoài phân lỏng…
Cách xử lý khi trẻ bị nôn nhiều lần
Như đã nói ở trên thì trẻ bị nôn nhiều lần có thể do nhiều nguyên nhân, từ đó sẽ có cách xử lý khác nhau.
Trường hợp do bệnh lý
Bé bị nôn nhiều lần do bệnh lý, đặc biệt là khi có các dấu hiệu sau, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:
-
Trẻ nôn ra dịch mật (màu xanh) hoặc máu (màu đỏ hoặc nâu)
-
Trẻ bị nôn liên tục, trẻ nôn nhiều lần trong ngày, kéo dài hơn 24 giờ
-
Trẻ không ăn hoặc không uống được trong vài giờ kèm biểu hiện đau bụng (đau nhẹ đến giữ dội), cơ thể toát mồ hôi.
-
Có dấu hiệu mất nước như môi khô, khóc không nước mắt, không tiểu trong 6 giờ
-
Trẻ đau bụng nhiều, mệt mỏi, ngủ li bì
-
Sốt > 38.4°C nhiều hơn 3 ngày hoặc đưa đi khám ngay khi trẻ sốt > 39°C.
Trường hợp do sinh lý
Trẻ bị nôn nhưng vẫn vui chơi, khỏe mạnh bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng, cần bình tĩnh xử lý:
- Kiểm tra lại chế độ ăn của trẻ: Xem có phải bị dị ứng thức ăn hay do thay đổi sữa công thức không hợp. Nếu đúng như vậy thì cần đổi sữa hoặc thay đổi chế độ ăn.
- Bù nước cho trẻ: Đối với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn thì tích cực cho bú (tuy nhiên không nên cho bú no quá). Những trẻ lớn hơn, bắt đầu ăn dặm thì có thể bổ sung thêm nước lọc, nước hoa quả, trái cây hoặc bổ sung oresol để phòng tránh mất nước.
- Thay đổi chế độ ăn: Không ép trẻ ăn, nếu đang bú mẹ thì chia nhỏ thành nhiều cữ bú. Với trẻ lớn hơn thì cho con ăn thức ăn loãng như: cháo, súp… để dễ tiêu hóa.
- Cho trẻ nằm cao đầu: Nếu bé bị nôn nhiều lần, mẹ cần cho bé nằm đầu cao vì cách làm này sẽ góp phần làm giảm trào ngược. Đồng thời, mặc quần áo thông thoáng cho trẻ, tránh mặc bó sát, khó chịu.
- Trường hợp trẻ bị nôn do siêu vi, vi trùng dễ lây nhiễm, cha mẹ cần cẩn thận khi chăm sóc trẻ, tránh lây lan cho bản thân, người trong gia đình và bạn bè. Rửa tay thường xuyên và giữ trẻ ở nhà cho đến khi trẻ hết nôn 24 giờ.
- Tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng các loại thuốc chống nôn mà không có chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng bài viết bên đã cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích, giúp các mẹ hiểu rõ về nguyên nhân của tình trạng trẻ bị nôn nhiều lần. Đây có thể do sinh lý hoặc cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm, hãy quan sát và theo dõi các biểu hiện để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm nhé!