Hướng dẫn: Cách chăm sóc trẻ bị phát ban sau sốt
Đăng ngày 01/11/2021
Sốt phát ban là bệnh gì? Biểu hiện như thế nào?
Sốt phát ban là bệnh do một số loại virus điển hình như virus sởi, virus Rubella (bệnh sởi Đức) hoặc virus đường ruột ECHO gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan nhanh do tiếp xúc với dịch tiết ra từ nước mũi hoặc cổ họng người nhiễm bệnh. Sốt phát ban rất phổ biến ở trẻ em dưới 3 tuổi.
Nguyên nhân chính gây nên bệnh sốt phát ban là do nhiễm virus, trong đó vi rút đường hô hấp luôn chiếm đa số, bao gồm vi rút sởi, vi rút gây bệnh rubella, adeno vi rút, echo virus, nhóm enterovirus...
Trẻ bị sốt phát ban sẽ có những biểu hiện như: sốt từ nhẹ đến sốt cao đến 39 độ, kèm theo các biểu hiện ho, đau họng, chảy nước mũi. Ngoài ra, 1 đặc trưng nữa là trẻ sẽ bị phát ban màu hồng hoặc đốm, xuất hiện trên ngực, bụng và lưng trước khi lan rộng đến hai tay và cổ. Các vết ban này thường không ngứa và sẽ kéo dài trong vài ngày.
Trẻ bị sốt phát ban phải làm sao?
Sốt phát ban tuy không quá nguy hiểm nhưng mẹ cần biết cách chăm sóc để giảm những khó chịu, mệt mỏi cho trẻ, đặc biệt là sốt phát ban ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi, sức đề kháng còn kém, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khi không được điều trị kịp thời. Vậy mẹ làm gì khi trẻ bị sốt phát ban?
1. Hạ sốt đúng cách cho trẻ
Mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, nếu không có hiện tượng mệt mỏi, bỏ ăn thì không cần phải cho trẻ uống thuốc. Nếu sốt cao quá 38 độ thì có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và làm theo đúng chỉ dẫn. Ngoài ra, mẹ có thể lau người cho trẻ bằng nước ấm để giảm thân nhiệt, tránh sốt cao dẫn đến co giật.
2. Bổ sung nước, điện giải
Mẹ cần tích cực cho trẻ uống nước: nước ép trái cây, nước lọc, sữa…. Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi bị sốt phát ban, cần tích cực cho bú mẹ để bổ sung nước. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho trẻ uống oresol để bổ sung điện giải, giúp hạ sốt nhanh hơn. Tuy nhiên, cần pha theo đúng tỷ lệ được hướng dẫn.
3. Chú ý chế độ dinh dưỡng của trẻ
Trẻ bị sốt phát ban phải làm sao? Ăn gì khi bị sốt? Mẹ cần cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường và ăn những thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: cháo, súp, sữa…. từ các loại thịt như: thịt bò, thịt gà, thịt lợn, tôm…. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây giàu vitamin C như: cam, quýt, bưởi, ổi…. Nếu bé lười ăn thì có thể chia nhỏ thành nhiều bữa.
Thịt bò nấu với rau gì cho bé ăn dặm
4. Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ
Một trong những sai lầm trong cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban đó là kiêng tắm. Nhiều bậc phụ huynh có thói quen kiêng gió, kiêng nước và trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể, làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Ngoài ra, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da, biến chứng viêm phổi.
Thay vào đó, mẹ nên giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, lau người mỗi ngày (tuy nhiên cần thực hiện nhanh chóng và ở nơi kín gió, tránh gió lùa dẫn đến cảm lạnh).
5. Cho trẻ đi khám bác sĩ
Nếu tình trạng sốt phát ban ở trẻ kéo dài trên 5 ngày hoặc 1 tuần, mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ sớm để tìm hiểu rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời. Đặc biệt là khi thấy trẻ có biểu hiện: sốt cao không hạ, mệt mỏi, bỏ bú, quấy khóc, ngủ li bì hoặc co giật… cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Cách chăm sóc trẻ bị phát ban sau sốt
Sau khi trẻ cắt cơn sốt thì trên người có thể nổi những mụn đỏ li ti, đó là hiện tượng phát ban sau sốt. Vị trí ban lan rộng bắt đầu từ vùng ngực, lưng, bụng tới cổ và cánh tay. Chúng có thể lan tới chân và mặt.
Ban thường không ngứa hay làm khó chịu và có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ bị phát ban sau khi sốt:
- Theo dõi thân nhiệt của trẻ. Nếu trẻ sốt lại (từ 38.5 độ trở lên kiểm tra dưới nách ) thì mẹ có thể cho con uống hạ sốt, chườm ấm cho con.
- Tiếp tục cho trẻ uống nhiều nước để bù lượng nước bị mất do trẻ sốt cao gây mất nước và chất điện giải.
- Trẻ nên được vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày bằng nước ấm. Mẹ có thể dùng khăn lau người, đặc biệt là những vị trí: cổ, nách, bẹn... điều này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, loại bỏ được mồ hôi, nhờn rít, giảm cảm giác ngứa ngáy, giúp bé thoải mái, tỉnh táo hơn.
- Cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn nhuyễn, lỏng, dễ tiêu, cần được tăng thêm cả về chất lượng và số lượng. Bé nên ăn nhiều hơn bình thường, chia thành nhiều bữa và ưu tiên cho những thức ăn dễ tiêu hóa.
- Để trẻ nghỉ ngơi trong không gian khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, không cần kiêng gió như quan niệm ngày xưa. Tuy nhiên, cũng không để trẻ ở nơi gió lộng quá, dễ bị cảm lạnh.
- Tránh cho trẻ mặc đồ bó sát vì dễ gây kích ứng da, bí bách, khó chịu. Cắt móng tay và vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ, tránh để trẻ gãi lên bề mặt da.
- Cho trẻ đi khám bác sĩ nếu tình trạng phát ban sau sốt không thuyên giảm, các nốt ban ngày càng lan rộng và gây khó chịu cho trẻ nhiều hơn.
Trên đây là cách chăm sóc trẻ bị phát ban sau sốt và việc mẹ cần làm khi trẻ bị sốt phát ban. Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích cho các mẹ. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì khác, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp trong thời gian sớm nhất có thể!