Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm họng ba mẹ nên biết
Đăng ngày 30/11/2023
Dấu hiệu và nguyên nhân trẻ sơ sinh bị viêm họng
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị viêm họng
Ba mẹ có thể nhận biết được trẻ bị viêm họng thông qua các dấu hiệu sau đây:
- Ho là biểu hiện dễ nhận biết nhất. Khi nhiễm bệnh, trẻ thường trải qua các triệu chứng như ngứa rát họng và ho liên tục. Một số trẻ có thể trải qua tình trạng ho khan hoặc ho có đờm trong từng cơn.
- Viêm họng có thể gây ra sự khó khăn trong việc bú sữa và nuốt, do đau họng, dẫn đến việc ăn uống kém, tăng cảm giác chán ăn, và thường xuyên quấy khóc ở trẻ. Nặng hơn trẻ đau họng có thể kèm theo ho khan, ho có đờm, sốt cao liên tục tới 39-40 độ C.
- Trẻ bị ho, viêm họng, sốt cao còn đi kèm với biểu hiện rối loạn tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy.
- Hầu hết trẻ sơ sinh bị viêm họng thường trải qua triệu chứng ngạt mũi. Tùy thuộc vào mức độ và tình trạng cụ thể của từng trẻ, triệu chứng này có thể biểu hiện dưới dạng khụt khịt nhẹ hoặc ngạt mũi nặng, gây khó thở, thậm chí trẻ có thể chỉ thở bằng miệng. Tình trạng này thường khiến trẻ quấy khóc thường xuyên, khó ngủ, và thậm chí gây ra tình trạng thở gấp hoặc co rút lồng ngực…
- Sốt cũng có thể là một dấu hiệu của viêm họng ở trẻ sơ sinh, với mức độ sốt có thể nhẹ hoặc cao tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Đây là một triệu chứng không thể xem thường, và cha mẹ nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn về quá trình điều trị.
- Nổi hạch ở cổ khi tình trạng viêm họng của trẻ đã rất nặng. Các hạch này thường mềm, dễ di động và có kích thước giảm dần khi tình trạng bệnh giảm.
Ho, sốt cao là những biểu hiện dễ nhận biết nhất khi trẻ bị viêm họng
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị viêm họng
Nguyên nhân chính gây viêm họng ở trẻ sơ sinh thường là do nhiễm virus. Có nhiều loại virus khác nhau gây viêm mũi họng, bao gồm nhóm Coronavirus, nhóm Adenovirus, nhóm virus cúm, và đặc biệt phổ biến là nhóm Rhinovirus. Những loại virus này thường lây truyền qua đường hô hấp, khi trẻ sơ sinh vô tình tiếp xúc với các hạt nước bọt nhỏ được phát ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm họng ở trẻ sơ sinh gồm:
- Thay đổi thời tiết từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại (thời điểm giao mùa) bé dễ mắc bệnh hơn bình thường. Nếu đề kháng của trẻ không tốt sẽ dễ viêm họng. Thậm chí đề kháng yếu còn khiến diễn biến bệnh phức tạp hơn, có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. (Xem thêm: tăng sức đề kháng cho trẻ khi giao mùa)
- Nằm phòng điều hoà, quạt gió quá lâu. Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học Harvard (Mỹ), nhiệt độ thấp và không khí khô trong phòng máy lạnh có thể gây hại cho cổ họng. Không những thế, ở một môi trường kín, số lượng vi khuẩn trong không khí sẽ gia tăng và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây ra viêm họng.
- Hệ quả từ các bệnh lý như viêm mũi, dị ứng thời tiết…chưa được điều trị dứt điểm.
- Trẻ đổ mồ hôi do vui chơi, hoạt động ở ngoài trời nắng quá lâu, không được vệ sinh cơ thể đúng cách cũng dễ bị thấm ngược mồ hôi và nhiễm lạnh dẫn đến viêm họng và các bệnh về hô hấp.
- Môi trường sống nhiều bụi bẩn, nhiều vi khuẩn, virus sinh sôi và lây lan.
Trẻ sơ sinh dễ bị viêm họng do nhiệt độ môi trường không phù hợp
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm họng
Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị viêm họng, ba mẹ cần nhanh chóng có những biện pháp xử lý phù hợp để tránh tình trạng bệnh trở nặng.
Điều trị cho trẻ sơ sinh bị viêm họng
Đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ (dùng thuốc)
Với trẻ sơ sinh để kháng còn yếu và rất mẫn cảm với các thành phần của thuốc, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà. Thay vào đó cần đưa trẻ đi thăm khám, cần thiết có thể nội soi tai mũi họng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán và xác định các nguyên nhân gây bệnh cụ thể để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp bao gồm cả thuốc và liều lượng phù hợp.
Đối với trẻ sơ sinh, việc điều trị nội khoa cần ưu tiên hạn chế kháng sinh một cách tối đa để tránh những ảnh hưởng của kháng sinh tới sự phát triển của trẻ.
Trẻ sơ sinh đề kháng yếu ba mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho con khi trẻ bị viêm họng
Mẹo dân gian trị viêm họng cho trẻ
- Rau diếp cá: Đây là loại rau có khả năng kháng viêm tốt và lành tính với trẻ. Hái 1 nắm lá diếp cá, rửa sạch nấu với cháo loãng, khi chín cho thêm chút đường để tạo vị ngọt cho trẻ dễ uống hơn. Cho bé uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần uống khoảng 10ml.
- Lá húng chanh và đường phèn: Lá húng chanh có vị cay, thơm giúp tiêu đờm, kháng viêm, giải cảm, kích thích tiết mồ hôi, hạ sốt cho bé. Cách làm rất đơn giản, thái nhỏ 1 nắm lá húng chanh, trộn với đường phèn rồi mang đi hấp cách thủy. Chắt phần siro cho bé uống mỗi ngày 3 lần.
- Lá hẹ và đường phèn: Chuẩn bị 1 nắm nhỏ lá hẹ rửa sạch, thái thành các khúc nhỏ rồi trộn với đường phèn mang đi hấp cách thủy trong 20 phút. Cho bé uống phần nước siro mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 2 thìa sẽ giúp giảm đau họng.
Tham khảo các bài thuốc dân gian trị viêm họng cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả
Lưu ý cách sinh hoạt
- Vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý. Cha mẹ có thể sử dụng bông tăm mềm đặc biệt dành cho trẻ, sau khi ướt chúng với nước muối sinh lý, nhẹ nhàng làm sạch các bụi bẩn và niêm mạc mà không cần đẩy sâu vào mũi. Về phần họng, khăn bông mềm hoặc bông gạc cũng có thể được sử dụng để làm sạch miệng của trẻ một cách nhẹ nhàng, nhưng cần tránh đưa quá sâu để tránh kích thích phản ứng nôn mửa của trẻ.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được bú mẹ đầy đủ hoặc dùng sữa công thức phù hợp với thể trạng. Trẻ bị viêm họng sẽ khó chịu và lười bú hơn nên mẹ có thể chia nhỏ số lần bú cho trẻ. Sữa mẹ không chỉ giúp con cung cấp đủ nước mà còn chứa nhiều kháng thể giúp bé tăng cường sức đề kháng và bệnh tật.
- Về chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm họng nên ưu tiên các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu dễ nuốt để không ma sát vào thành họng khiến con khó chịu như cháo, súp. Ngoài ra mẹ lựa chọn bổ sung thực phẩm giàu các chất như vitamin C, omega-3, kẽm để tăng cường đề kháng, giảm các biểu hiện sưng tấy, viêm nhiễm ở đường hô hấp của trẻ.
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong 1 bữa nếu trẻ cảm thấy họng không thoải mái. Nên chia nhỏ bữa ăn, đảm bảo đủ lượng đủ chất trong ngày cho trẻ là được.
- Tai - mũi - họng thường liên quan tới nhau nên khi con bị viêm họng khu vực mũi họng sẽ tiết nhiều dịch mủ, đờm gây khò khè, khó thở cho trẻ. Nếu không thường xuyên vệ sinh loại bỏ các dịch nhầy, bệnh sẽ lâu khỏi hơn. Cần chú ý thường xuyên vệ sinh khu vực mũi họng trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,09% NaCI theo chỉ dẫn của chuyên gia.
- Nếu trẻ bị sốt, hãy giảm sốt bằng cách đặt trẻ nằm ở nơi thoáng mát và sạch sẽ. Nới lỏng quần áo cho trẻ và sử dụng khăn ấm để chườm lên trán, nách và bẹn của trẻ để giúp hạ sốt. Trong trường hợp sốt cao, hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách giảm sốt đúng cách cho trẻ.
- Bảo đảm rằng không gian sống luôn sạch sẽ. Hãy loại bỏ bụi bẩn và nấm mốc nếu có trong phòng của trẻ, đồng thời giữ cho phòng luôn mát mẻ và thoáng đãng.
- Khi trẻ bị viêm họng không nên kiêng tắm. Trẻ cần được đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, giúp cơ thể thông thoáng dễ chịu hơn, đồng thời tắm cũng giúp giảm nhiệt độ cơ thể, hạ sốt. Ba mẹ lưu ý đo nhiệt độ trước khi tắm cho bé, tắm ở nơi kín gió, không tắm quá lâu.
- Hãy thông báo ngay lập tức với bác sĩ nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ, như thở rít, khó thở, sốt cao hoặc da tím tái...
Trẻ bị viêm họng cần chú ý vệ sinh cả mũi
Một số sai lầm phổ biến khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm họng
Có nhiều sai lầm khá phổ biến khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm họng. Đây là một trong những yếu tố khiến bệnh của con lâu khỏi hơn, thậm chí biến chuyển nặng hơn. Vì vậy ba mẹ cần tránh những sai lầm sau đây:
- Quá lạm dụng kháng sinh: Kháng sinh với nhiều gia đình giống như “thần dược”, thấy con ốm là cho dùng kháng sinh mà không quan tâm đến nguyên nhân bệnh là gì. Viêm họng do virus gây ra trong khi kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn.
- Không cho con bú mẹ: Nhiều mẹ không cho bú vì thấy bé nôn ra sữa vón cục, cho rằng đây là hiện tượng không tiêu. Tuy nhiên việc bú đủ (với trẻ còn bú mẹ) sẽ bổ sung đủ nước, giúp làm loãng đờm, giảm ho.
- Giữ ấm sai cách: Khi con bị viêm họng nhiều ba mẹ ủ ấm cho con rất kĩ, giữ phòng kín. Điều này có thể khiến trẻ đổ mồ hôi và thấm ngược lại gây nhiễm lạnh.
- Kiêng ăn uống: Nhiều người truyền tai nhau phương pháp chữa viêm họng cho bé bằng cách kiêng ăn thịt gà, trứng, tôm, cua,… Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết việc ăn kiêng này hoàn toàn vô căn cứ. Khi bị ốm, trẻ cần được ăn uống đủ chất để tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa và điều trị các chứng ho.
Lạm dụng kháng sinh là sai lầm phổ biến nhất khi chăm trẻ viêm họng
Cách phòng tránh bị viêm họng ở trẻ sơ sinh
Cha mẹ đều mong muốn con khoẻ mạnh và phát triển với tình trạng thể chất tốt nhất thay vì thường xuyên ho ốm, viêm họng. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, sau đây là một số cách đơn giản mà hiệu quả để phòng tránh bị viêm họng ở trẻ sơ sinh:
- Khi thời tiết nắng nóng, cha mẹ nên chọn quần áo bằng chất liệu cotton cho trẻ, để giúp thấm mồ hôi tốt. Mồ hôi nhiều có thể làm cho trẻ dễ nhiễm lạnh và gây ra viêm họng.
- Khi trẻ ngủ tránh để quạt/ điều hoà thổi trực tiếp vào mặt của trẻ, thay vào đó, nên đặt hướng gió về phía tường hoặc phía chân giường của trẻ.Nhiệt độ trong phòng nên duy trì trong khoảng 25 - 27 độ C.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh,... để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Trẻ còn bú mẹ nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn.
- Thực hiện vệ sinh hàng ngày cho cơ thể và đặc biệt là răng miệng của trẻ để ngăn ngừa bệnh tật hiệu quả.
- Vệ sinh răng nướu, lưỡi và khoang miệng sạch sẽ. Cho trẻ súc miệng thường xuyên.
- Không nên cho trẻ sơ sinh đi đến nơi quá đông người nhất là những thời điểm giao mùa.
Vệ sinh răng nướu sạch sẽ cho bé để giảm nguy cơ bị viêm họng
Như vậy, Vinlac đã chia sẻ với ba mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm họng tại nhà. Quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ theo dõi sát sao, để ý tình hình thể trạng của trẻ để có các biện pháp xử lý đúng, kịp thời, tránh bệnh diễn biến nặng nề hơn.