Cách chữa biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh
Đăng ngày 13/06/2024
Tổng quan về biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh
Biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh là gì?
Biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ từ chối bú hoặc ăn do các yếu tố liên quan đến tâm lý, thay vì các vấn đề về bệnh lý hoặc sinh lý. Trẻ có thể từ chối bú mẹ, quấy khóc khi đến giờ ăn hoặc không chịu ăn dù đang đói.
Ở trẻ sơ sinh, biếng ăn tâm lý cũng tồn tại nhưng có những đặc điểm khác biệt so với trẻ lớn hơn do sự khác nhau về độ tuổi, phát triển nhận thức và khả năng giao tiếp. Trẻ sơ sinh chưa có khả năng giao tiếp rõ ràng để biểu đạt cảm xúc hoặc nhu cầu, trong khi trẻ lớn hơn có thể nói ra hoặc biểu hiện rõ ràng qua hành vi. Nguyên nhân gây biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh thường liên quan đến sự nhạy cảm về thần kinh và môi trường xung quanh, trong khi ở trẻ lớn hơn, nguyên nhân có thể phức tạp hơn, bao gồm cả áp lực từ bố mẹ và trải nghiệm tiêu cực.
⇒ Tìm hiểu thêm về: Biếng ăn tâm lý ở trẻ
Biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh có những điểm khác biệt với nhóm trẻ lớn hơn
Biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh xảy ra khi nào?
Biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng thường gặp nhất trong các giai đoạn chuyển đổi quan trọng như:
- Sự thay đổi môi trường sống và người chăm sóc: Trẻ sơ sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến đổi trong môi trường sống và sự thay đổi người chăm sóc. Những thay đổi này có thể làm bé cảm thấy không an toàn hoặc lo lắng dẫn đến biếng ăn tâm lý.
- Tâm trạng của bố mẹ: Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với cảm xúc của bố mẹ. Nếu bố mẹ căng thẳng hoặc không vui, trẻ có thể cảm nhận được và phản ứng bằng cách trở nên lo lắng và biếng ăn.
- Không khí căng thẳng: Khi bố mẹ hoặc người chăm sóc thiếu tương tác tích cực và không kiên nhẫn trong quá trình cho trẻ ăn, trẻ sơ sinh có thể từ chối ăn uống.
- Giai đoạn phát triển của trẻ: Trong quá trình phát triển, trẻ trải qua những giai đoạn hoàn thiện về cảm xúc và thể chất, điều này cũng có thể khiến trẻ cảm thấy chán ăn.
Một số giai đoạn trẻ dễ mắc biếng ăn tâm lý
Dấu hiệu và nguyên nhân trẻ sơ sinh biếng ăn tâm lý
Dấu hiệu trẻ sơ sinh biếng ăn tâm lý
Những dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh biếng ăn tâm lý bao gồm:
- Từ chối bú mẹ: Trẻ không muốn bú hoặc chỉ bú rất ít, dù trước đó trẻ bú rất tốt.
- Quấy khóc khi đến giờ bú: Trẻ có thể khóc, la hét hoặc có hành vi chống đối khi được đưa đến ngực mẹ.
- Thay đổi thói quen bú: Trẻ thay đổi thói quen bú, chẳng hạn như bú nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ bú một ít hoặc bú không đều đặn.
- Giảm cân hoặc không tăng cân: Trẻ không tăng cân hoặc giảm cân do không bú đủ sữa.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh biếng ăn tâm lý
Biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh là một vấn đề phức tạp có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan đến cả yếu tố môi trường, tâm lý và sinh lý. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
- Bị ép bú mẹ tạo ra cảm giác sợ hãi, ức chế cơn đói và không thích người cho ăn.
- Tâm trạng của mẹ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ sơ sinh.
- Trẻ gặp rối loạn trong quá trình phát triển sẽ kèm theo rối loạn ăn uống
Ngoài ra các giai đoạn phát triển có sự thay đổi nhất định như đã đề cập phía trên cũng góp phần khiến trẻ tăng nguy cơ bị biếng ăn tâm lý.
Cách chữa biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh
Cách chữa biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh
Để chữa trị biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần áp dụng các biện pháp phù hợp và kiên nhẫn trong quá trình thực hiện. Dưới đây là một số cách chữa biếng ăn tâm lý hiệu quả:
Tuân thủ đúng thời gian - cữ bú
Việc tuân thủ đúng thời gian và cữ bú là rất quan trọng để giúp trẻ có cảm giác đói và muốn bú. Cha mẹ nên duy trì khoảng cách giữa các cữ bú hợp lý, không để quá ngắn hoặc quá dài. Thông thường, trẻ sơ sinh cần bú mỗi 2-3 giờ một lần. Việc thiết lập lịch bú cố định sẽ giúp trẻ hình thành thói quen bú đều đặn và cảm thấy an toàn.
Chú trọng không gian thoải mái
Không gian bú thoải mái và yên tĩnh sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và tập trung vào việc bú. Cha mẹ nên chọn một nơi yên tĩnh, không có nhiều tiếng ồn và ánh sáng dịu nhẹ. Tránh để trẻ bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài như tiếng TV, điện thoại hay người lạ.
Cho bú đúng cách
Tư thế bú đúng cách là yếu tố quan trọng giúp trẻ cảm thấy thoải mái và bú hiệu quả. Cha mẹ nên đảm bảo rằng trẻ ngậm đúng khớp ngậm và bú được lượng sữa tối ưu. Mẹ cần giữ trẻ ở tư thế thoải mái, đầu và thân trẻ thẳng hàng, miệng trẻ mở rộng và ngậm sâu vào ngực mẹ. Nếu mẹ cảm thấy khó khăn trong việc cho bú đúng cách, nên tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia hoặc tư vấn viên cho con bú.
Tăng cường tương tác
Tăng cường tương tác với trẻ trong khi bú sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và vui vẻ hơn. Cha mẹ có thể trò chuyện nhẹ nhàng, hát ru hoặc vuốt ve trẻ trong khi bú. Sự tiếp xúc gần gũi và âu yếm của mẹ sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự an toàn, từ đó giúp trẻ bú ngon miệng hơn.
Ngoài ra ba mẹ cần luôn giữ bình tĩnh và kiên nhẫn khi cho trẻ ăn, tránh tỏ ra căng thẳng hoặc lo lắng.
Đảm bảo bé ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ sơ sinh cần ngủ đủ giấc để có đủ năng lượng và sức khỏe tốt. Thiếu ngủ hoặc giấc ngủ không chất lượng có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh và biếng ăn. Cha mẹ cần thiết lập thói quen ngủ đều đặn, tạo môi trường ngủ thoải mái và yên tĩnh để đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc.
Ngoài chất lượng sữa, cần đảm bảo cho trẻ bú đúng tư thế trong không gian thoải mái
Một số mẹo khác giúp cải thiện biếng ăn tâm lý ở trẻ
Bỏ đói trẻ đúng cách
Đôi khi, việc bỏ đói trẻ đúng cách có thể giúp trẻ cảm thấy đói và muốn bú hơn. Cha mẹ không nên cho trẻ bú hoặc ăn vặt quá nhiều giữa các cữ bú. Để trẻ có thời gian đói thực sự sẽ giúp trẻ bú ngon miệng hơn khi đến cữ bú.
Cho bé nghe nhạc
Âm nhạc nhẹ nhàng và êm dịu có thể giúp trẻ thư giãn và cảm thấy thoải mái hơn khi bú. Cha mẹ có thể cho trẻ nghe nhạc trong khi bú hoặc trước giờ bú để tạo không khí thư giãn và vui vẻ.
Chú ý đến các dấu hiệu của trẻ khi đói hoặc no để cung cấp lượng ăn phù hợp hơn
Vì trẻ sơ sinh chưa thể biểu đạt được bằng lời nên cha mẹ nên chú ý đến các dấu hiệu đói của trẻ như mút tay, liếm môi, quay đầu tìm ngực mẹ và đáp ứng kịp thời. Đồng thời, khi trẻ có dấu hiệu no như ngừng bú, quay đầu đi, cha mẹ cũng nên dừng lại để tránh ép trẻ bú quá nhiều. Nắm được tín hiệu về cảm giác đói và no là cách giúp trẻ học cách tự điều chỉnh lượng bú phù hợp với nhu cầu của mình.
Tham khảo ý kiến chuyên gia
Dù áp dụng các biện pháp trên, cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để tìm ra nguyên nhân cụ thể và có biện pháp can thiệp thích hợp.
Vì trẻ sơ sinh chưa thể tự diễn đạt nên ba mẹ cần chú ý các biểu hiện của con
Biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh là một vấn đề không nhỏ, nhưng với sự hiểu biết và kiên nhẫn, cha mẹ hoàn toàn có thể khắc phục được cùng con. Hy vọng rằng những cách chữa biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh trên đây sẽ phần nào giúp ba mẹ bớt áp lực hơn trong công cuộc chăm con.