Tất tần tật về chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết ba mẹ không nên bỏ qua

Đăng ngày 05/12/2023

Sốt xuất huyết là căn bệnh cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé. Đặc biệt trong thời điểm giao mùa, số ca mắc sốt xuất huyết càng cao hơn. Bên cạnh việc chủ động phòng tránh, cha mẹ cũng nên biết cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết để giúp con vượt qua giai đoạn nguy hiểm, tránh để lại biến chứng nếu con mắc bệnh.

Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do virus Dengue gây ra. Virus Dengue có 4 chủng: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng virus nên bị sốt xuất huyết nhiều hơn một lần là điều hoàn toàn bình thường. Sốt xuất huyết thường bùng phát thành ổ dịch lớn trong mùa mưa vì đó là mùa sinh sản của muỗi. Trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện.

Dấu hiệu

Sốt xuất huyết ở trẻ em có nhiều triệu chứng khác nhau, diễn biến phức tạp. Diễn biến của bệnh đi qua 3 giai đoạn với các dấu hiệu cụ thể.

  • Giai đoạn sốt:
    • Sốt cao đột ngột, liên tục;
    • Đau đầu dữ dội, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt;
    • Buồn nôn;
    • Chảy máu nướu răng hoặc chảy máu cam;
    • Da xung huyết, có chấm xuất huyết ở dưới da;
    • ...
  • Giai đoạn nguy hiểm (ngày thứ 3 - 7 của bệnh):
    • Giảm sốt;
    • Đau bụng;
    • Nôn, đau ngực, khó thở;
    • Chấm xuất huyết dưới da hoặc ban xuất huyết ở các vị trí trên người;
    • Thân nhiệt hạ đột ngột;
    • Tiểu ít;
    • Người mệt mỏi, li bì;
    • Chảy máu chân răng, chảy máu cam;
    • ...
  • Giai đoạn hồi phục:
    • Hết sốt hoàn toàn;
    • Thể lực hồi phục, thèm ăn;
    • Tiểu nhiều.

chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết

Nguyên nhân

Sốt xuất huyết gây ra bởi virus Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae) thông qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti). Muỗi vằn đưa virus gây bệnh vào máu của con người thông qua vết đốt. Khi virus Dengue tấn công vào cơ thể người, chúng sẽ di chuyển trong máu từ 2 - 7 ngày và có khả năng ủ bệnh lên tới 11 ngày khiến dịch bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn. Ngoài việc muỗi vằn chích máu người bệnh sốt xuất huyết, lây sang cho người khỏe mạnh thì các tổ chức y tế còn phát hiện ra loài khỉ sống ở Malaysia cũng mang virus Dengue, có thể gây bùng phát dịch.

chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Dengue là nguyên nhân dẫn tới sốt xuất huyết

Phân biệt sốt xuất huyết và các loại sốt khác 

Như đã đề cập ở trên, sốt cao là dấu hiệu đặc trưng của sốt xuất huyết. Tuy vậy, dấu hiệu này có thể bắt gặp ở nhiều loại sốt do các bệnh khác. Do đó, để có thể sớm phát hiện sốt xuất huyết, mẹ nên lưu ý một số dấu hiệu khác biệt của chúng. Cụ thể:

Sốt xuất huyết

  • Trong 3 ngày đầu: Sốt cao liên tục, khó hạ sốt với paracetamol;
  • Da xung huyết, có chấm xuất huyết dưới da sau khi hết sốt;
  • Chảy máu chân răng, chảy máu cam;
  • Mắt đỏ, nôn, tay chân lạnh.

chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết khác với các loại sốt khác

Sốt phát ban

Vì đều có hiện tượng nổi các ban đỏ nên nhiều cha mẹ dễ nhầm lẫn với sốt xuất huyết. Tuy nhiên, mẹ có thể phân biệt thông qua một số dấu hiệu như:

  • Sốt cao từng cơn, không sốt kéo dài;
  • Xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như: ho, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau nhức toàn thân…;
  • Có thể phát ban hoặc không;
  • Kết mạc mắt đỏ, chảy nước mắt…

Sốt virus

Đều có triệu chứng là sốt cao nhưng sốt virus thường có thêm các dấu hiệu liên quan tới tiêu hóa, hô hấp như:

  • Ho, hắt hơi, đau họng, chảy nước mũi;
  • Thở nhanh, thở rít, lồng ngực lõm, tím tái;
  • Rối loạn tiêu hóa, nôn sau khi ăn;
  • Viêm kết mạc: Đỏ mắt, có dử mắt, chảy nước mắt.

Sốt do cúm A/H1N1

Khác với sốt xuất huyết, sốt do cúm luôn đi kèm với các triệu chứng như ho, đau họng, sổ mũi, chảy nước mũi, đau nhức người… Chính vì vậy, đây cũng là loại sốt dễ phân biệt nhất so với sốt xuất huyết.

Sốt do bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ, đi kèm một số dấu hiệu đặc trưng như:

  • Sốt cao 1-2 ngày;
  • Đau họng, đau miệng;
  • Xuất hiện loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi;
  • Nốt hồng ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và ở mông.

Mỗi loại sốt đều có những triệu chứng khác nhau. Đặc biệt với sốt phát ban, sốt virus hay sốt do các loại bệnh thông thường khác, khi cắt sốt nghĩa là bệnh đã khỏi dần. Tuy nhiên, với sốt xuất huyết, đây lại là lúc bệnh bước vào giai đoạn nguy hiểm. Do đó, cách tốt nhất để phát hiện và xử lý kịp thời sốt xuất huyết là đưa bé đi xét nghiệm máu.

cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có thể bị nhầm với sốt phát ban, sốt virus

Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm, dễ để lại biến chứng nếu không phát hiện, điều trị kịp thời. Do đó, sau khi đã đưa con đi khám, mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà đúng chuẩn, nhanh chóng để hạn chế những tổn thương có thể gây ra cho bé.

Dùng hạ sốt, giảm đau

Sốt là triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết. Ngay khi thấy trẻ có thân nhiệt trên 38,5 độ C, mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol đơn chất với liều lượng từ 10 - 15mg/kg trọng lượng cơ thể trẻ lập tức. Sau đó, nếu sốt vẫn không giảm, cứ 6 giờ mẹ lại cho trẻ uống thuốc 1 lần. Sau khi bé uống thuốc hạ sốt khoảng 1 tiếng, cha mẹ cần đo lại nhiệt độ. Gia đình tuyệt đối không cho trẻ dùng aspirin khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì chất này sẽ làm rối loạn đông máu, gây nguy hiểm cho người sốt xuất huyết, có thể gây chảy máu kéo.

hạ sốt khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Dùng hạ sốt khi bé bị sốt xuất huyết

Nếu thân nhiệt của trẻ nằm trong ngưỡng 37 - 38,5 độ C, mẹ không cần dùng thuốc hạ sốt mà chỉ cần lau người bằng khăn ấm cho bé. Nhiệt độ nước nên thấp hơn nhiệt độ cơ thể của con khoảng 2 - 3 độ C để giúp trẻ thoát nhiệt dễ hơn. Trong trường hợp mẹ đã kết hợp chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt mà cơn sốt của con vẫn không hạ thì phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám kịp thời.

Bù nước cho trẻ

Sốt cao trong thời gian dài có thể khiến trẻ bị mất nước, dẫn đến rối loạn thần kinh, co giật. Vì vậy, mẹ cần bổ sung nước, điện giải để bù lại lượng nước đã mất do sốt. Mẹ có thể bù nước cho bé bằng đường uống hoặc đường truyền. Với trẻ lớn, mẹ cho bé uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải. Tuy vậy, cha mẹ cũng cần lưu ý pha oresol theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên nhãn, đảm bảo đủ lượng nước. Tránh trường hợp tự ý giảm nước, làm sai nồng độ cho phép của oresol, khiến bé rơi vào tình trạng rối loạn, hôn mê, co giật, thậm chí là tổn thương não. Dung dịch oresol đã pha nên uống từng chút một và chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ.

cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Bù nước là cách hiệu quả khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết 

Ngoài oresol, cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước dừa, nước cam, chanh… để bổ sung vitamin C. Cũng giống như khi dùng oresol, mẹ nên cho bé uống từ từ vì việc uống quá nhiều, quá nhanh có thể khiến con nôn, đầy bụng. Với trẻ nhỏ, còn đang ti sữa hoàn toàn, mẹ tăng cữ bú trong ngày lên cho bé.

Giữ ấm, đảm bảo không khí thoáng đãng, sạch sẽ

Khi chăm sóc chăm sóc trẻ sốt xuất huyết, việc giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh là vô cùng cần thiết. Lúc này, cha mẹ nên giữ ấm vừa đủ cho trẻ, đảm bảo không khí thông thoáng, phòng sạch sẽ. Bên cạnh đó, trong những tuần đầu tiên nhiễm bệnh sốt xuất huyết, virus vẫn tồn tại trong máu người bệnh. Do đó, để tránh những thành viên trong nhà bị lây sốt xuất huyết, mẹ nên phòng tránh muỗi cho trẻ bằng một số biện pháp đơn giản như:

  • Mặc quần áo dài tay;
  • Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày;
  • Không cho trẻ chơi ở những chỗ tối;
  • Sử dụng các sản phẩm phòng ngừa muỗi;
  • Vệ sinh môi trường xung quanh, diệt sạch nơi trú ẩn của muỗi, loăng quăng;

Dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết

Ngoài việc hạ sốt, bù nước, dinh dưỡng cũng nên được chú trọng khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết. Các loại thực phẩm bổ sung cũng như chế độ ăn cần được lưu tâm hơn. Cụ thể:

- Về các loại thực phẩm bổ sung cho bé: Để giúp con nhanh khỏi bệnh sốt xuất huyết, mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu đạm, vitamin, bù nước và điện giải, thực phẩm hỗ trợ tăng tiểu cầu như vitamin C (cam, rau xanh), omega 3 (óc chó, rau bina) , sắt (thị bò, bí ngô, con trai sông...), kẽm (sò, hến...)...

- Về chế độ ăn, cách chế biến: Trẻ sốt xuất huyết thường cảm thấy mệt mỏi, không có cảm giác thèm ăn. Do đó, cha mẹ nên ưu tiên các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, nước ép…. Nếu trẻ ăn ít, nôn khi ăn thì mẹ chia nhỏ khẩu phần thành nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ chất. Với trẻ đang ti sữa, mẹ tiếp tục cho bé bú bình thường, tăng số cữ trong ngày và thời gian mỗi cữ bú lên để con được bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng.

chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Chú ý dinh dưỡng khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết 

Trong giai đoạn trẻ bị sốt xuất huyết, mẹ nên hạn chế các loại thức ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng. Các loại thức ăn màu đỏ, đen, nâu cũng cần tránh trong thời điểm này để tránh nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa khi bé đi ngoài. Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước có ga, nhiều đường khi bị sốt xuất huyết.

Những điều tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

Không chỉ ăn uống, mẹ cũng cần lưu ý tới vấn đề sinh hoạt của bé trong khi bị sốt xuất huyết như:

  • Tuyệt đối không cạo gió vì có thể gây chảy máu, nhiễm trùng;
  • Hạn chế vận động, sử dụng thiết bị điện tử;
  • Không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ;
  • Không để trẻ truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện;

Đưa trẻ đến viện nếu bệnh trở nặng

Dù mẹ có thể chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết ngay tại nhà. Tuy nhiên, mẹ cũng lưu ý theo dõi sát sao, nếu thấy con có một trong các dấu hiệu sau thì cần phải đưa vào bệnh viện ngay:

  • Tay chân lạnh;
  • Không chơi, không phản ứng khi mẹ gọi, bỏ bú, bỏ ăn uống;
  • Đau bụng, nôn nhiều, nôn khan;
  • Quấy khóc hoặc ngủ li bì;
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

Đây đều là những dấu hiệu nguy hiểm, cho thấy bệnh trở nặng, cần được đi viện để xử lý kịp thời. Do đó, mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi thấy trẻ có các biểu hiện trên. Ngoài ra, cần đưa trẻ tái khám theo đúng lịch hẹn để đảm bảo tình trạng sức khỏe của bé. Không tự ý bỏ lịch khám khi thấy trẻ cắt sốt vì đây mới là giai đoạn nguy hiểm, có thể xảy ra biến chứng bất kỳ lúc nào.

Chăm sóc sau khi sốt xuất huyết

Không chỉ khi bị bệnh mà giai đoạn sau sốt xuất huyết cũng rất cần được chăm sóc cẩn thận. Việc chăm sóc trẻ đầy đủ, đúng cách sau thời gian điều trị bệnh sốt xuất huyết sẽ giúp cơ thể của con mau hồi phục hơn.

Bổ sung dinh dưỡng

Dinh dưỡng luôn là khía cạnh quan trọng kể cả trong và sau khi bị sốt xuất huyết. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn, lấy lại khả năng miễn dịch và sức đề kháng. Mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất, bổ sung thêm thực phẩm tăng cường vitamin, khoáng chất. Cụ thể:

  • Nhóm thực phẩm giàu sắt như thịt bò, trứng, hải sản, rau có màu xanh đậm… để tăng hemoglobin, hình thành tiểu cầu.
  • Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, đu đủ, cà chua, bông cải xanh… giúp tăng khả năng miễn dịch, giữ bền thành mạch máu.
  • Nước dừa: giàu Kali và khoáng chất, bổ sung điện giải, giảm nguy cơ mất nước, tăng miễn dịch.
  • Thực phẩm giàu đạm như sữa, trứng, cá, thịt gà, chuối… để hỗ trợ tái tạo và phục hồi tế bào, mô, thúc đẩy quá trình phục hồi sau sốt xuất huyết cho bé.
  • Vitamin có trong các loại trái cây như cam, quýt, kiwi… để giúp bé mau hồi phục, tránh khỏi tình trạng suy nhược do sự tấn công của virus gây bệnh.

chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Bổ sung dinh dưỡng khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết 

Bên cạnh các loại thực phẩm nên ăn, mẹ cũng chú ý không cho trẻ ăn một số loại thực phẩm như:

  • Đồ chiên rán: Quá nhiều dầu mỡ không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe của bé trong giai đoạn hồi phục sau bệnh. Đồ chiên rán chỉ khiến bé đầy bụng, tiêu hóa khó khăn hơn. Do đó, mẹ nên hạn chế tối đa những thực phẩm này cho bé.
  • Đồ cay nóng: Tương tự như những món chiên rán, đồ ăn cay cũng khiến cơ thể khó chịu, dạ dày phải chịu áp lực lớn, ảnh hưởng tới quá trình dưỡng bệnh sau sốt xuất huyết.
  • Nước ngọt: Hầu như đứa trẻ nào cũng mê nước ngọt. Tuy nhiên, các loại nước này chủ yếu chứa đường, lại có nhiều chất bảo quản, cản trở khả năng phục hồi của cơ thể sau sốt xuất huyết. Chính vì vậy, mẹ tuyệt đối không cho bé uống nước ngọt khi vừa khỏi bệnh.

Tăng cường miễn dịch

Sau khi trải qua bệnh sốt xuất huyết, hệ miễn dịch của bé bị suy giảm tương đối. Do đó, mẹ nên hỗ trợ bé tăng cường miễn dịch bằng nhiều cách khác nhau như:

  • Bổ sung dinh dưỡng.
  • Tiêm vắc-xin đúng, đủ mũi.
  • Giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ, không có ao tù nước đọng và muỗi.
  • Dạy bé thói quen giữ gìn vệ sinh: vệ sinh tay trước khi ăn, tắm rửa thường xuyên...
  • Xây dựng thói quen sinh hoạt điều độ, ăn ngủ đúng giờ, vận động thể chất hợp lý.

Chườm lạnh, xoa bóp làm dịu cơn ngứa do phát ban và đau nhức xương khớp

Sau sốt xuất huyết, các nốt mẩn đỏ dù đã giảm nhưng vẫn gây ra cơn ngứa ngáy, khó chịu. Trẻ em lại là đối tượng nhạy cảm với các cơn ngứa và thường có xu hướng đưa tay gãi, khiến các vết phát ban chảy máu, lở loét. Do đó, mẹ cần tìm các biện pháp khắc phục để giúp con cảm thấy thoải mái hơn.

Đầu tiên, mẹ nên cho bé mặc đồ rộng rãi, chất liệu mềm mại để giảm thiểu sự ma sát với các vết phát ban trên da. Nên ưu tiên chọn những loại vải mỏng, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng phấn rôm để thoa lên vùng da bị ngứa để giảm sưng, giảm tiết mồ hôi.

chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Xoa bóp để giúp trẻ làm dịu cơn ngứa, nhức mỏi do sốt xuất huyết

Tiếp đó, mẹ cũng lưu ý vấn đề vệ sinh phòng ngủ, chăn, màn, ga trải giường, gối…, đảm bảo không bị ẩm mốc, tránh vi khuẩn làm da bị kích ứng. Sau khi khỏi bệnh, mẹ có thể cho bé lau người, tắm rửa, vệ sinh kỹ càng để tránh mồ hôi, bã nhờn tích tụ gây mẩn ngứa. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng gel lô hội, các loại kem bôi để làm trẻ bớt khó chịu, kháng khuẩn, giảm viêm.

Không chỉ mẩn ngứa, trẻ còn có thể đối mặt với những cơn đau nhức xương khớp sau khi bị sốt xuất huyết. Những cơn đau này có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần. Lúc này, cha mẹ nên xoa bóp nhẹ nhàng cho bé để làm giảm bớt sự khó chịu. Đa số cơn đau nhức xương khớp sẽ giảm dần sau đó vài tuần nên gia đình cũng không cần quá lo lắng.

Thải độc gan

Chưa dừng lại ở việc phát ban, đau nhức, tình trạng men gan tăng cũng có thể xảy ra sau khi trẻ bị sốt xuất huyết. Lúc này, mẹ chỉ cần cho bé ăn đồ giàu đạm, vitamin, khoáng chất như thịt, cá, trứng, sữa, đỗ… Nhóm vitamin A, vitamin D có trong lòng đỏ trứng, gan động vật, sữa, các loại rau xanh đậm, màu vàng… cũng rất quan trọng trong việc thải độc gan. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B như vitamin B1, B6, B12 thông qua các thực phẩm như đậu nành, mầm giá đỗ, sữa tươi, các loại rau màu xanh, trứng, trái cây,…

Ngoài việc thải độc gan thông qua các thực phẩm ăn hàng ngày, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được kê thêm các sản phẩm giải độc gan cho bé. Mẹ lưu ý không được tự ý mua thuốc, thực phẩm chức năng giải độc gan cho con mà chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Phòng tránh sốt xuất huyết ở trẻ

Nếu biết cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, mẹ có thể giữ cho con không gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Thế nhưng, sốt xuất huyết vẫn có thể để lại những tiềm ẩn khôn lường cho sức khỏe của bé, khiến hệ miễn dịch của con suy giảm. Do đó, mẹ nên chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết cho trẻ trước nguy cơ dịch đang lây lan. Để phòng ngừa căn bệnh này, mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:

chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Tiêu diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết cho trẻ

  • Tiêu diệt muỗi: Tìm cách tiêu diệt muỗi bằng các loại thuốc an toàn được bán trên thị trường. Ngoài ra, gia đình chú ý vệ sinh sạch môi trường xung quanh, tránh để ao tù, nước đọng làm tổ cho loăng quăng, bọ gậy. Nếu buộc phải dự trữ nước, hãy để trong các thùng chứa kín khí, có đậy nắp kỹ.
  • Sử dụng thuốc đuổi muỗi khi đi ra ngoài. Các loại thuốc chống muỗi chứa DEET (N, N-Diethyl-meta-toluamide) đã được các chuyên gia chứng minh độ hiệu quả nên mẹ có thể tìm cho bé sử dụng. Những loại thuốc này thường có tác dụng xua đuổi muỗi trong 10 tiếng.
  • Sử dụng lưới bảo vệ, các tấm chắn trên cửa ra vào, cửa sổ để muỗi không có cơ hội vào nhà. Bên cạnh đó, mẹ nên cho bé mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ: Hướng dẫn con rửa tay chân đúng cách, thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi ra ngoài về và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế việc cho bé dùng chung chăn, gối, khăn tắm, quần áo... với người khác.
  • Bổ sung dinh dưỡng, tăng cường đề kháng và miễn dịch cho trẻ để chống lại bệnh tật.
  • Không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp, tối tăm, nơi muỗi tập trung.

Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết sẽ giúp trẻ tránh xa khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên biết cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết để chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bé. Chăm sóc trẻ bị sốt huyết đúng cách sẽ giúp con mau khỏe bệnh, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bài viết liên quan

Vinlac

HÀNH TRÌNH GIÚP CON HẾT BIẾNG ĂN CÙNG VINLAC

Chị Tú – một bà mẹ bỉm sữa 35 tuổi đã trải qua một hành trình chăm con vô cùng gian nan bởi thiếu sữa, con lại biếng ăn, suy dinh dưỡng… Nhưng giờ đây, chị Tú nhàn tênh bởi đã tìm ra phương pháp chăm con hiệu quả từ Vinlac.

Tìm hiểu thêm
Vinlac

CHU VI VÒNG ĐẦU CHO TRẺ SƠ SINH ĐÁNH GIÁ ĐƯỢC ĐIỀU GÌ?

Khi dẫn bé đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, các bác sĩ sẽ đo chu vi vòng đầu cho trẻ sơ sinh, dựa vào đó mà đưa ra cái nhìn tổng quan chung nhất về sự phát triển ở trẻ sơ sinh. Hãy cùng tìm hiểu chỉ số vòng đầu của trẻ đánh giá cụ thể về vấn đề gì nhé.

Tìm hiểu thêm
Vinlac

Cách giúp trẻ sơ sinh phân biệt giấc ngủ ban ngày và ban đêm

Bé sơ sinh ngủ rất nhiều vào ban ngày nhưng lại thường xuyên quấy khóc vào ban đêm khiến mẹ vô cùng mệt mỏi. Vậy làm thế nào mới chấm dứt được tình trạng này? Các mẹ hãy cùng Vinlac tìm hiểu ngay bí quyết giúp bé sơ sinh phân biệt được giấc ngủ ban ngày và giấc ngủ ban đêm nhé!

Tìm hiểu thêm
Vinlac

Bỏ túi 12 mẹo trị đái dầm ở trẻ em hiệu quả nhất

Nếu con đã qua giai đoạn bỏ bỉm mà vẫn đái dầm thường xuyên, mẹ nên tham khảo 12 mẹo trị đái dầm ở trẻ em cực hiệu quả dưới đây.

Tìm hiểu thêm
Vinlac

Top 14 cách làm giúp bé không khóc đêm đơn giản, dễ áp dụng

Cùng Vinlac tìm hiểu 14 cách làm giúp bé không khóc đêm hiệu quả, đánh bay “nỗi ám ảnh” thường trực này, ba mẹ nhé!

Tìm hiểu thêm
Vinlac

TOP 6 loại sữa Việt Nam nào tốt nhất cho bé phát triển toàn diện?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa khác nhau từ nội đến ngoại. Với tiêu chí “người Việt dùng hàng Việt” thì sữa Việt Nam nào tốt nhất cho bé chắc hẳn cũng là điều băn khoăn của nhiều bà mẹ thông thái? Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau và lựa chọn một loại sữa nội địa phù hợp cho sự phát triển toàn diện của bé nhất nhé!

Tìm hiểu thêm