Dấu hiệu mẹ không có sữa: Nguyên nhân và cách tăng tiết sữa

Đăng ngày 07/12/2024

Hầu hết các bà mẹ đều muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, không ít mẹ gặp phải tình trạng mất sữa hoặc ít sữa sau sinh, khiến việc nuôi con trở nên khó khăn hơn. Vậy đâu là dấu hiệu mẹ không có sữa? nguyên nhân và cách tăng tiết sữa hiệu quả để có nguồn sữa dồi dào cho con? Mời mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Mất sữa sau sinh là gì?

Dấu hiệu mẹ không có sữa

Nguyên nhân mẹ ít sữa sau sinh

Cách tăng tiết sữa cho mẹ sau sinh

Một số câu hỏi về tình trạng mẹ không có sữa

Mất sữa sau sinh là gì?

Mất sữa sau sinh là tình trạng tuyến sữa không sản xuất hoặc sản xuất không đủ lượng sữa cần thiết để nuôi con. Tình trạng này có thể xảy ra ngay sau sinh hoặc sau một thời gian cho con bú và được chia làm 2 dạng cơ bản:

  • Sữa ít dần đi: Mẹ sẽ không bị mất sữa ngay. Thay vào đó, tuyến sữa sản xuất ít hơn rồi mới dần dần mất hẳn. Tình trạng này có thể kéo dài trên 1 tuần.
  • Mất sữa đột ngột: Các tuyến sữa đột ngột ngừng tiết sữa mà không hề có dấu hiệu giảm ít vào những ngày trước đó. Thời gian mất sữa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như các biện pháp tác động sau đó.

dấu hiệu mẹ không có sữa

Mẹ bị mất sữa sau sinh

Dấu hiệu mẹ không có sữa

Mất sữa không chỉ gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng của bé mà còn tạo áp lực tâm lý lớn cho mẹ. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu và áp dụng cách khắc phục kịp thời là vô cùng quan trọng. Mẹ có thể dễ dàng nhận biết dấu hiệu mẹ không có sữa dựa trên một số biểu hiện sau:

Bầu vú không thay đổi hoặc ít thay đổi sau sinh

Sau khi sinh, cơ thể sẽ tự nhận diện và tăng tiết tạo sữa. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy bầu vú nhỏ, không thay đổi kích thước hoặc nhỏ hơn bình thường thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ không có sữa.

Bên cạnh đó, việc không cảm thấy ngực căng tức hoặc đau nhức khi sữa về cũng cho thấy tuyến sữa hoạt động kém. Đây cũng là một trong những dấu hiệu để mẹ nhận ra tình trạng mất sữa.

ít sữa sau sinh

Bầu vú không thay đổi hoặc ít thay đổi là dấu hiệu mẹ không có sữa

Không có sữa tiết ra dù cố nặn

Dấu hiệu tiếp theo giúp mẹ nhận ra tình trạng ít sữa sau sinh hoặc mất sữa là khi thấy không có sữa tiết ra dù đã cố nặn. Thông thường, trong 2 - 5 ngày đầu tiên sinh con, sữa mẹ sẽ về một lượng nhỏ sữa non. Những ngày sau đó, sữa mẹ sẽ về nhiều và đều hơn. Nếu mẹ vẫn không thấy sữa về thì đó là dấu hiệu rõ ràng của việc tuyến sữa không hoạt động hiệu quả.

Bé bú quá nhanh hoặc quá lâu

Thông thường, một cữ bú của trẻ sẽ diễn ra trong khoảng 10 - 20 phút. Nếu sữa mẹ đủ, bé sẽ bú rất tập trung. Thậm chí, mẹ còn có thể nghe thấy tiếng nuốt sữa phát ra từ bé. Nếu bé ngừng bú sau vài phút thì điều này có thể do lượng sữa không đủ, bé không thấy sữa chảy ra nên ngưng bú. Ngược lại, nếu bé bú quá lâu thì đó cũng có thể là dấu hiệu mẹ không có sữa. Nguyên nhân bé bú lâu là do chưa cảm thấy no nên dẫn đến việc thời gian bú kéo dài hơn bình thường. 

Bé cáu gắt, quấy khóc sau khi bú xong

Bình thường, sau khi được cho bú no, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và ngủ ngay sau đó. Do vậy, nếu mẹ thấy bé bú xong nhưng có biểu hiện cáu gắt, quấy khóc, liếm môi, thè lưỡi, mút tay… thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ ít sữa sau sinh. 

con cáu gắt là dấu hiệu mẹ không có sữa

Nếu thấy con cáu gắt sau bú, đó có thể là dấu hiệu mẹ ít sữa

Bé đi tiểu ít hơn 6 lần/ngày

Sữa mẹ có tới 88% là nước, do đó, nếu trẻ bú đủ, con sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày. Ước tính, trẻ sơ sinh sẽ đi tiểu 6 lần/ngày. Nếu mẹ thấy con đi tiểu ít hơn, nước tiểu có màu vàng sậm thì đó là dấu hiệu cho thấy bé không nhận đủ sữa, dẫn đến cơ thể bé bị thiếu nước.

Bé tăng cân chậm

Ngoài 5 dấu hiệu ở trên, nếu trẻ bú mẹ tăng cân chậm hoặc không tăng cân trong thời gian dài, đó cũng có thể là dấu hiệu mẹ không có sữa. Thông thường, nếu sữa mẹ đủ, bé bú đều đặn thì con sẽ tăng ít nhất 30g trong tháng đầu sau sinh.

6 dấu hiệu mẹ không có sữa

Bé tăng cân chậm là dấu hiệu mẹ ít sữa sau sinh

Nguyên nhân mẹ ít sữa sau sinh

Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ ít sữa sau sinh. Mẹ cần xác định được chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng mất sữa, ít sữa để có hướng khắc phục phù hợp. Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là:

Không cung cấp đủ chất dinh dưỡng

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng, không chỉ giúp mẹ hồi phục sức khỏe sau sinh nhanh chóng mà còn giúp sữa về dồi dào, đủ để cung cấp cho bé bú. Chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu khoa học, thiếu hụt dưỡng chất quan trọng như protein, vitamin và khoáng chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như khả năng tiết sữa mẹ. 

Sinh hoạt của mẹ không phù hợp

Sau sinh, mẹ cần có nhiều thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe cũng như sản xuất sữa cho con. Nếu mẹ không được nghỉ ngơi hoặc nghỉ ít sẽ khiến cơ thể không đủ năng lượng để sản xuất sữa. Điều này có thể khiến mẹ tiết ít sữa hơn và dần dần mất hẳn. 

Mẹ bị stress, gặp các vấn đề về tâm lý sau sinh

Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến tình trạng mẹ ít sữa sau sinh đó là do stress, gặp các vấn đề tâm lý. Căng thẳng và áp lực tinh thần có thể ức chế hormone oxytocin. Đây là loại hormone tác động trực tiếp đến quá trình kích thích tiết sữa. Điều này có thể khiến sữa mẹ ít đi, thậm chí là mất hoàn toàn. 

mẹ ít sữa sau sinh

Ít sữa sau sinh do stress, tâm lý

Vấn đề bệnh lý

Bên cạnh các vấn đề về dinh dưỡng, sinh hoạt, tâm lý sau sinh, các vấn đề bệnh lý liên quan tới tuyến vú như viêm vú, áp xe vú hoặc các thủ thuật tác động lên tuyến vú cũng có thể gây ra tình trạng ít sữa, mất sữa. 

Ngoài ra, nếu mẹ bị các bệnh về tuyến giáp, rối loạn nội tiết sau sinh, thiếu máu cũng gây ảnh hưởng tới hormone tiết sữa là prolactin, oxytocin, khiến quá trình tạo sữa khó khăn hơn. 

Ảnh hưởng trong quá trình sinh 

Một nguyên nhân khác khiến mẹ ít sữa sau sinh là do sinh non, sinh mổ hoặc mất máu quá nhiều khi sinh. Khi sinh non, cơ thể mẹ không kịp điều chỉnh, cơ chế tạo tiết sữa chưa được hoàn thiện nên sữa sẽ về chậm hơn so với những mẹ sinh đủ ngày, đủ tháng. Ngoài ra, nếu mẹ sinh mổ, do ảnh hưởng của các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, giảm viêm, sữa mẹ cũng có thể về ít và chậm hơn bình thường.

Mẹ không cho con ti, kích sữa, hút sữa sai cách

Ngoài các nguyên nhân đã được đề cập ở trên, việc mẹ không cho bé bú thường xuyên hoặc sử dụng máy kích sữa, hút sữa sai cách cũng có thể làm giảm kích thích tuyến sữa. Một nguyên tắc mà mẹ cần nhớ trong việc tăng tiết sữa là con ti càng nhiều, sữa càng về. Nếu mẹ không cho con ti hoặc cho ti không thường xuyên thì cơ thể sẽ phát ra tín hiệu giảm tiết sữa. Từ đó, sữa mẹ sẽ ít dần hoặc mất hẳn.

Hoặc nếu mẹ kích sữa, hút sữa sai cách, khiến lực tác động lên đầu vú quá mạnh, gây tổn thương. Từ đó khiến cho việc tạo sữa gặp trở ngại. 

kích sữa sai cách làm ít sữa sau sinh

Mẹ kích sữa sai cách có thể dẫn đến ít sữa sau sinh

Cách tăng tiết sữa cho mẹ sau sinh

Ngay khi nhận thấy dấu hiệu ít sữa, mất sữa, mẹ cần tìm ra chính xác nguyên nhân. Sau đó, mẹ nhanh chóng thực hiện một số biện pháp để gọi sữa về dồi dào như:

Cho bé ti mẹ đúng cách

Cho bé ti mẹ là cách dễ nhất và hiệu quả nhất để kích thích tuyến sữa. Khi trẻ bú, cơ thể của người mẹ sẽ tiết ra hormone prolactin giúp tái tạo sữa và oxytocin làm xuống sữa. Vì vậy, để sữa về nhiều, mẹ nên cho bé ti mẹ càng sớm càng tốt. Tốt nhất, mẹ nên cho bé bú ngay trong vòng 1 giờ sau sinh để kích thích sữa về sớm.

Bên cạnh đó, việc cho bé bú đúng khớp, thường xuyên và ti đều 2 bên cũng rất quan trọng. Nó giúp kích thích cả hai bên tuyến sữa hoạt động hiệu quả, lượng sữa tiết ra đều.

Chế độ dinh dưỡng tăng tiết sữa

Dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây ít sữa, mất sữa. Do đó, mẹ cần chú trọng bổ sung đầy đủ dưỡng chất cả trước và sau sinh. Mẹ cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất đặc biệt là:

  • Chất đạm (Protein): Thịt gà, thịt bò, cá, trứng, đậu phụ và các loại đậu. 
  • Chất béo lành mạnh: Omega-3 từ cá hồi, cá ngừ, dầu oliu và các loại hạt.
  • Vitamin và khoáng chất: Canxi (có trong sữa, phô mai, sữa chua và các loại rau xanh như cải xoăn, rau bó xôi), sắt (có nhiều trong các loại thịt đỏ, hạt, ngũ cốc...), vitamin C (cam, bưởi, dâu tây…)
  • Carbohydrate (Tinh bột): Gạo lứt, yến mạch, khoai lang…

Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung thêm một số thực phẩm lợi sữa vào trong khẩu phần ăn hàng ngày như: gạo lứt, móng giò, rau ngót, đu đủ xanh, hạt sen... Đặc biệt, mẹ đừng quên uống đủ 2 - 3 lít nước mỗi ngày để gọi sữa về dồi dào. Mẹ cũng có thể uống loại nước lợi sữa như: nước lá đinh lăng, nước gạo lứt rang, chè vằng…

ít sữa cho con bú phải làm sao

Áp dụng thực đơn tăng tiết sữa để sữa mẹ về nhiều

Sử dụng máy hút sữa và lịch kích sữa hiệu quả

Trong trường hợp không thể cho bé bú đều, sử dụng máy vắt sữa cũng là phương pháp hiệu quả để kích sữa trong trường hợp mẹ gặp vấn đề về sữa sau sinh. Để đạt hiệu quả, mẹ nên thực hiện đúng lịch và đúng các bước. Mẹ có thể áp dụng lịch hút sữa L2, L3, L4, L5 hoặc L6...tùy vào từng thời kỳ phát triển của trẻ. 

Nếu mẹ mới sinh, có thời gian nghỉ thai sản ở nhà cả ngày thì mẹ có thể áp dụng lịch hút sữa L2 (tức 2 tiếng hút 1 lần). Với lịch L2, mẹ cần hút khoảng 8 - 10 lần trong một ngày vào các khung giờ: 7 giờ sáng - 9 giờ sáng - 11 giờ trưa - 13 giờ chiều - 15 giờ chiều - 17 giờ chiều - 19 giờ tối - 0 giờ sáng - 3 giờ sáng - 5 giờ sáng. 

Khi bé lớn hơn, mẹ có thể giãn dần lịch hút sữa để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Cụ thể:

  • Lịch hút sữa L3: Các lần hút sữa cách nhau 3 giờ đồng hồ, vào các khung giờ: 7 giờ sáng - 10 giờ sáng - 12 giờ trưa - 15 giờ chiều - 18 giờ chiều - 21 giờ tối - 0 giờ sáng - 4 giờ sáng.
  • Lịch hút sữa L4: Các lần hút sữa cách nhau 4 giờ đồng hồ, vào các khung giờ: 8 giờ sáng - 12 giờ trưa - 16 giờ chiều - 20 giờ tối - 0 giờ sáng hoặc 7 giờ sáng - 11 giờ trưa - 15 giờ chiều - 19 giờ tối hoặc 6 giờ sáng - 10 giờ sáng - 14 giờ chiều - 18 giờ tối (đối với mẹ đi làm).
  • Lịch hút sữa L5: Các lần hút sữa cách nhau 5 giờ đồng hồ, vào các khung giờ: 7 giờ sáng - 12 giờ trưa - 17 giờ chiều - 22 giờ tối hoặc 7 giờ sáng - 12 giờ trưa - 17 giờ chiều - 22 giờ tối.

Thời gian hút sữa mẹ có thể linh hoạt theo lịch cá nhân của mình, chỉ cần đảm bảo thời gian nghỉ giữa các lần hút. 

Giảm stress, giải tỏa tâm lý cho mẹ sau sinh, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi

Nếu mẹ mệt mỏi, căng thẳng sẽ khiến lượng hormone oxytocin bị giảm, gây ra tình trạng ít sữa, thậm chí là mất sữa. Do đó, để thúc đẩy quá trình tăng tiết sữa, mẹ nên nghỉ ngơi, thư giãn để giữ tinh thần thoải mái. Nếu việc chăm con quá bận rộn, mẹ có thể chia sẻ với người thân để nhận được sự hỗ trợ. 

Ngoài ra, mẹ cũng có thể thực hiện một số hoạt động giảm stress ngay tại nhà như tập thở, yoga hoặc một vài động tác vận động nhẹ nhàng để giảm bớt căng thẳng, giúp tinh thần sảng khoái. Chỉ khi mẹ thoải mái thì lượng sữa mới về nhiều, tiết ra ổn định. 

Mát-xa ngực

Ngoài việc cho con bú đều đặn, mát-xa ngực cũng là phương pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng tắc sữa, mất sữa. Việc mát-xa nhẹ nhàng sẽ giúp ống dẫn sữa mở rộng, kích thích tuyến sữa sản xuất nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc mát-xa ngực còn giúp làm tan các cục sữa bị đông, hạn chế tình trạng tắc tia sữa, áp xe vú và ngăn chặn nguy cơ hình thành ung thư vú. Để mát-xa ngực đem lại hiệu quả cao, mẹ có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Dùng khăn ấm chườm lên bầu ngực
  • Bước 2: Mát-xa ngực nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ, từ từ hướng ra núm ti. Thực hiện lặp đi lặp lại khoảng 10 phút, mỗi ngày 2 - 4 lần để đem lại hiệu quả tốt nhất. 

mẹ ít sữa cho con bú phải làm sao

Mát-xa ngực giúp kích thích sữa về nhanh, nhiều hơn

Một số câu hỏi về tình trạng mẹ không có sữa

Bên cạnh các vấn đề về dấu hiệu, nguyên nhân mẹ không có sữa, cách tăng tiết sữa, dưới đây là một số vấn đề về tình trạng mẹ không có sữa mà nhiều người quan tâm. Mẹ tham khảo để hiểu hơn về tình trạng này.

Khi nào sữa mẹ về nhiều? Bao lâu về 1 lần?

Thông thường, với mẹ sinh thường, 2 - 3 ngày sau sinh, mẹ đã thấy sữa về. Với mẹ sinh mổ, thời gian sữa về có thể kéo dài lâu hơn, thường khoảng 3 - 5 ngày sau sinh. Sữa về nhiều nhất từ giai đoạn 2 - 4 tuần sau sinh khi bước vào giai đoạn sữa trường thành nếu mẹ cho bé bú thường xuyên và đúng cách. 

Sữa về theo chu kỳ sản xuất tự nhiên của cơ thể người mẹ. Mỗi lần bé bú hoặc mẹ hút sữa, cơ thể sẽ mất từ 45-90 phút để sữa tiếp tục về. Vào ban đêm, hormone prolactin tăng cao nên sữa sẽ về nhiều hơn, đặc biệt từ 1-5 giờ sáng. 

Ăn gì dễ bị mất sữa?

Để tránh mất sữa, mẹ nên hạn chế ăn uống các loại thực phẩm sau:

  • Lá lốt, măng, rau mùi, bạc hà.
  • Đồ uống có cồn và cafein: Những loại thức uống này có thể ức chế hormone prolactin, làm giảm sản xuất sữa.
  • Đồ ăn chế biến sẵn, chứa nhiều phụ gia, ít dinh dưỡng, không có lợi cho việc tiết sữa của mẹ.
  • Một số thực phẩm như đậu phộng, hải sản nếu gây dị ứng cho mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

thực phẩm gây ít sữa sau sinh

Để không ít sữa sau sinh, mẹ nên tránh một số loại thực phẩm

▶ Uống gì để lợi sữa?

Để tăng tiết sữa, mẹ có thể bổ sung thêm một số loại nước sau:

  • Nước ấm: Uống nước ấm thường xuyên giúp kích thích tuyến sữa và làm tăng lượng sữa mẹ.
  • Sữa hạt: Các loại sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa hạt sen, sữa óc chó hoặc sữa hạt điều đều rất giàu dinh dưỡng, cung cấp nguồn dưỡng chất xịn và hỗ trợ tăng tiết sữa cho mẹ.
  • Nước gạo lứt rang: Gạo lứt chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp mẹ tiết sữa đều đặn và cải thiện chất lượng sữa.
  • Nước lá đinh lăng, chè vằng: Đinh lăng và chè vằng là các loại thảo dược truyền thống giúp kích thích tiết sữa hiệu quả.
  • Các loại trà lợi sữa: Trà từ thảo dược như thì là, hoa cúc hoặc cỏ cà ri có tác dụng kích thích hormone prolactin, hỗ trợ sản xuất sữa.

Làm sao cho sữa nhanh về?

Để sữa nhanh về sau sinh, mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong giờ đầu tiên sau khi sinh. Việc cho bé bú kích thích hormone oxytocin, giúp đẩy nhanh quá trình tiết sữa. Mẹ cũng cần cho bé bú thường xuyên, bú đều hai bên ngực để tạo phản xạ tiết sữa hiệu quả. 

Ngoài ra, việc massage nhẹ nhàng vùng ngực, đặc biệt là quanh quầng vú, có thể kích thích tuyến sữa hoạt động tốt hơn. Mẹ cũng nên bổ sung các loại thực phẩm lợi sữa đã được đề cập bên trên để sữa về nhanh hơn, giàu dinh dưỡng hơn. Và đặc biệt, cần tránh căng thẳng vì nó có thể làm chậm quá trình tiết sữa. 

khi nào sữa mẹ về nhiều

Phương pháp giúp sữa mẹ về nhanh, nhiều

Mất sữa sau sinh có khôi phục được không?

Mất sữa sau sinh hoàn toàn có thể khôi phục được nếu mẹ xác định đúng nguyên nhân và có phương pháp cải thiện kịp thời. Mẹ có thể áp dụng các biện pháp tăng tiết sữa ở trên như cho bé ti đúng cách và thường xuyên, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, sử dụng máy hút sữa chuẩn khoa học, mát-xa ngực, giữ tâm lý thoải mái… để cải thiện tình trạng. Nếu mất sữa do vấn đề sức khỏe, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ tốt nhất.

Khi nào cần gặp bác sĩ nếu mẹ không có sữa?

Ngay sau khi mẹ nhận thấy các dấu hiệu ít sữa, mất sữa và đã thực hiện các biện pháp kích sữa trong 1 tuần nhưng không có cải thiện, mẹ nên đến bác sĩ để kiểm tra. Các bác sĩ sẽ tư vấn và xác định chính xác nguyên nhân mất sữa là gì để có hướng khắc phục hiệu quả, giúp mẹ đảm bảo được nguồn sữa chất lượng cho con. 

Sữa mẹ có thể hết hoàn toàn không và có cách nào để khắc phục?

Sữa mẹ có thể tạm thời ít đi hoặc mất hoàn toàn do tác động tâm lý, bệnh lý hoặc những sai lầm trong quá trình chăm sóc sức khỏe mẹ sau sinh. Tuy nhiên, nếu biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc hợp lý, việc sữa quay trở lại là hoàn toàn có thể. 

Để khắc phục tình trạng ít sữa sau sinh, mẹ cần tăng cường cho bé bú thường xuyên, sử dụng máy hút sữa nếu cần, bổ sung thực phẩm lợi sữa và nghỉ ngơi đầy đủ. Trong trường hợp vấn đề kéo dài hoặc nghiêm trọng, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.

Sử dụng các loại trà hoặc thuốc tăng sữa có an toàn không?

Các loại trà hoặc thuốc tăng sữa cũng có thể giúp sữa về nhiều hơn. Tuy nhiên, mẹ không nên tự ý sử dụng bừa bãi mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Một số loại trà như trà gừng, trà thì là, trà cỏ cà ri hoặc các loại thuốc lợi sữa có nguồn gốc thảo dược được cho là an toàn đối với mẹ đang cho con bú và con tác dụng tăng tiết sữa. Thế nhưng, nếu sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng có thể gây tác dụng phụ.

Đặc biệt, nếu mẹ có các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường hoặc đang dùng thuốc khác, cần thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại trà hay thuốc nào để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

uống trà lợi sữa để không ít sữa sau sinh

Kích thích sữa về nhiều với một số loại trà lợi sữa

Việc hiểu rõ các dấu hiệu mẹ không có sữa và nguyên nhân gây ra tình trạng này sẽ giúp mẹ áp dụng các biện pháp tăng tiết sữa hiệu quả. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp mẹ cải thiện được lượng sữa để mang đến nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con.

 

Bài viết liên quan

Vinlac

HÀNH TRÌNH GIÚP CON HẾT BIẾNG ĂN CÙNG VINLAC

Chị Tú – một bà mẹ bỉm sữa 35 tuổi đã trải qua một hành trình chăm con vô cùng gian nan bởi thiếu sữa, con lại biếng ăn, suy dinh dưỡng… Nhưng giờ đây, chị Tú nhàn tênh bởi đã tìm ra phương pháp chăm con hiệu quả từ Vinlac.

Tìm hiểu thêm
Vinlac

CHU VI VÒNG ĐẦU CHO TRẺ SƠ SINH ĐÁNH GIÁ ĐƯỢC ĐIỀU GÌ?

Khi dẫn bé đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, các bác sĩ sẽ đo chu vi vòng đầu cho trẻ sơ sinh, dựa vào đó mà đưa ra cái nhìn tổng quan chung nhất về sự phát triển ở trẻ sơ sinh. Hãy cùng tìm hiểu chỉ số vòng đầu của trẻ đánh giá cụ thể về vấn đề gì nhé.

Tìm hiểu thêm
Vinlac

Cách giúp trẻ sơ sinh phân biệt giấc ngủ ban ngày và ban đêm

Bé sơ sinh ngủ rất nhiều vào ban ngày nhưng lại thường xuyên quấy khóc vào ban đêm khiến mẹ vô cùng mệt mỏi. Vậy làm thế nào mới chấm dứt được tình trạng này? Các mẹ hãy cùng Vinlac tìm hiểu ngay bí quyết giúp bé sơ sinh phân biệt được giấc ngủ ban ngày và giấc ngủ ban đêm nhé!

Tìm hiểu thêm
Vinlac

Bỏ túi 12 mẹo trị đái dầm ở trẻ em hiệu quả nhất

Nếu con đã qua giai đoạn bỏ bỉm mà vẫn đái dầm thường xuyên, mẹ nên tham khảo 12 mẹo trị đái dầm ở trẻ em cực hiệu quả dưới đây.

Tìm hiểu thêm
Vinlac

Top 14 cách làm giúp bé không khóc đêm đơn giản, dễ áp dụng

Cùng Vinlac tìm hiểu 14 cách làm giúp bé không khóc đêm hiệu quả, đánh bay “nỗi ám ảnh” thường trực này, ba mẹ nhé!

Tìm hiểu thêm
Vinlac

TOP 6 loại sữa Việt Nam nào tốt nhất cho bé phát triển toàn diện?

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa khác nhau từ nội đến ngoại. Với tiêu chí “người Việt dùng hàng Việt” thì sữa Việt Nam nào tốt nhất cho bé chắc hẳn cũng là điều băn khoăn của nhiều bà mẹ thông thái? Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau và lựa chọn một loại sữa nội địa phù hợp cho sự phát triển toàn diện của bé nhất nhé!

Tìm hiểu thêm