Trẻ bị thâm quầng mắt có sao không? Điều trị như thế nào?
Đăng ngày 01/11/2021
Cháu lo lắng quá, trẻ em bị thâm quầng mắt có sao không ạ? Tôm nhà cháu mới hơn 2 tuổi nhưng mắt bé đã bị thâm quầng như kiểu người lớn thường xuyên thức khuya vậy. Không biết có phải bị bệnh gì không? Có nguy hiểm không và phải điều trị như thế nào ạ?
(Mai Loan, 27 tuổi)
Trả lời
Bạn Mai Loan thân mến! Trước hết, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ khi thấy trẻ bị thâm quầng mắt, trong khi bé chưa đến tuổi học hành hay thức khuya thường xuyên. Vậy đây có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý hay sức khỏe có vấn đề? Giải pháp khắc phục như thế nào?
Chúng tôi xin lần lượt giải đáp như sau:
Nội dung chính Những nguyên nhân khiến bé bị thâm quầng mắt
|
Quầng thâm mắt là gì?
Mắt bé bị thâm quầng là hiện tượng vùng da quanh mắt bị sạm, tối màu hơn bình thường. Da xung quanh mí mắt được gọi là vùng da quanh ổ mắt. Lượng melanin sản sinh ra cao hơn bình thường làm xuất hiện quầng thâm mắt được gọi là ‘tăng sắc tố vùng quanh mắt.
Trẻ em bị thâm quầng mắt có thể là biểu hiện của sự mệt mỏi hoặc bị phơi nhiễm chất gây dị ứng hoặc chất kích thích. Nghiêm trọng hơn, quầng thâm cũng có thể là do xuất hiện khối u của các dây thần kinh, được gọi là bệnh u nang thần kinh. Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi, quan sát và tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây nên hiện tượng này.
Những nguyên nhân khiến bé bị thâm quầng mắt
1. Do vùng da dưới mắt bé mỏng và nhạy cảm
Da trẻ nhỏ thường mỏng và nhạy cảm, đặc biệt là trẻ sơ sinh, do đó, các mạch máu nơi đây có xu hướng trông tối màu hơn. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho bé bị thâm quầng ở mắt.
2. Trẻ bị mệt
Khi bé mệt, nước da của bé có xu hướng tái nhợt đi, dẫn tới việc sắc đen của mạch máu xuất hiện rõ hơn, đặc biệt là ở vùng dưới mắt. Nếu bé có nước da trắng thì quầng thâm dưới mắt sẽ càng rõ ràng, dễ nhận biết hơn.
Hoặc với những trẻ hay bị lo âu, căng thẳng thần kinh, thiếu ngủ do học hành căng thẳng cũng khiến các mạch máu chậm lưu thông. Khi đó, vùng da dưới mắt cũng có thể xuất hiện vết thâm.
3. Do di truyền
Thâm quầng mắt ở trẻ nhỏ cũng có thể do yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có bố, mẹ bị thâm quầng mắt thì con sinh ra cũng có khả năng cao mang “cặp mắt gấu trúc” từ nhỏ mặc dù không thức khuya thường xuyên.
4. Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo
Chế độ dinh dưỡng cũng có liên quan đến hiện tượng mắt trẻ bị thâm quầng. Chẳng hạn, ở những trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu, thiếu sắt sẽ được biểu hiện rõ nhất trên làn da, nhất là vùng da quanh mắt, khiến chúng bị sậm màu lại.
5. Viêm mũi dị ứng
Trẻ em bị thâm quầng mắt do dị ứng hô hấp hay còn gọi là viêm mũi dị ứng. Khi đó các hoạt động tĩnh mạch và lưu lượng máu sẽ bị hạn chế, dẫn đến tĩnh mạch dưới mắt bị sưng. Điều này dẫn đến xuất hiện quầng thâm ở dưới mắt trẻ.
6. Mắt bé bị thâm quầng do bệnh lý
Tuy không quá phổ biến nhưng mắt trẻ bị thâm quầng cũng có thể do dị ứng thời tiết, bệnh chàm, nhiễm khuẩn xoang, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc mất nước… Biểu hiện đi kèm bé có thể bị nghẹt mũi.
Ngoài ra, quầng thâm dưới mắt của trẻ cũng được coi là biểu hiện sự suy giảm chức năng của một số bộ phận trong cơ thể, như gan, thận, thậm chí là hoạt động của tim. Khi chức năng của các cơ quan này suy yếu sẽ gây nên rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, làm tổn thương đến các mạch máu dẫn đến hiện tượng thâm quầng mắt.
Các bệnh thường gặp ở trẻ mầm non
Hiện tượng thâm quầng mắt ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Như đã nói ở trên thì hiện tượng thâm quầng mắt ở trẻ nhỏ có rất nhiều nguyên nhân. Tùy từng nguyên nhân để đánh giá mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu chỉ do di truyền hoặc do làn da mỏng manh, nhạy cảm của bé… mẹ không cần quá lo lắng.
Ngược lại, nếu trẻ thâm quầng mắt do mệt mỏi hoặc do mắc bệnh lý thì cần theo dõi và đưa trẻ đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán, đồng thời đưa ra giải pháp điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Trẻ em bị thâm quầng mắt điều trị như thế nào?
Khi thấy mắt bé bị thâm quầng, trước hết, cha mẹ cần bình tĩnh quan sát và theo dõi. Sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp 1: Bé không có biểu hiện gì khác thường, vẫn ăn uống, sinh hoạt, vui chơi, ngủ nghỉ bình thường, không quấy khóc, lên cân tốt thì không đáng ngại. Mẹ không cần làm gì hết, cứ để tự nhiên.
- Trường hợp 2: Trẻ bị thâm quầng mắt trong thời gian dài, kèm theo các triệu chứng chán ăn, người gầy gò, xanh xao, ngủ kém, cha mẹ tuyệt đối không chủ quan, cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh.
Cách phòng tránh tình trạng thâm quầng mắt ở trẻ nhỏ
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, tránh tình trạng xuất hiện quầng thâm dưới mắt, cha mẹ nên thực hiện 1 số điều sau:
- Cho trẻ ăn uống khoa học, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng từ 4 nhóm: protein, chất béo, chất xơ, tinh bột có trong: cơm, cháo, thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, củ quả…. Đồng thời, uống đủ nước để cơ thể không bị thiếu nước dẫn đến xanh xao, mệt mỏi.
- Giữ cho trẻ luôn vui vẻ, thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng quá mức, đặc biệt không tạo áp lực cho trẻ.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thức khuya thường xuyên.
- Luôn mang kính bảo vệ đôi mắt của trẻ trước các tác nhân xấu từ môi trường, nhất là khi ra ngoài trời nắng.
- Đồng thời, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và kiểm tra mắt định kỳ để được phát hiện và xử lý kịp thời nếu phát hiện bệnh.
Tóm lại, trẻ em bị thâm quầng mắt không phải là hiện tượng hiếm gặp. Cha mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và bình tĩnh xử lý, cho trẻ đi khám trong trường hợp cần thiết để được điều trị sớm nhất nhé!