Trẻ bị dị ứng sữa công thức: Dấu hiệu và cách xử lý
Đăng ngày 18/01/2025

Dị ứng sữa công thức ở trẻ sơ sinh là gì?
Dị ứng sữa công thức là tình trạng hệ miễn dịch của trẻ phản ứng quá mức với các protein trong sữa, đặc biệt là đạm sữa bò - thành phần chính trong hầu hết các loại sữa công thức hiện nay. Khi trẻ tiêu thụ sữa công thức, cơ thể nhận diện các protein này như các tác nhân gây hại và kích hoạt hệ thống miễn dịch, dẫn đến các triệu chứng dị ứng.
Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, do hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện. Đối với một số trẻ, dị ứng sữa công thức có thể là vấn đề tạm thời và tự khỏi khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, với một số trường hợp, trẻ có thể tiếp tục gặp phải các vấn đề liên quan đến dị ứng thực phẩm khác khi trưởng thành.
Khái niệm dị ứng sữa công thức
Dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa công thức
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu dị ứng sữa công thức rất quan trọng để có thể xử lý kịp thời và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các triệu chứng thường gặp nhất:
Đầy bụng, tiêu chảy
Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất khi trẻ bị dị ứng sữa công thức. Nếu thấy sau khi uống sữa, con có biểu hiện đầy bụng, chướng hơi, sờ vào thấy bụng căng cứng, kèm theo tiêu chảy (đi ngoài từ 2 - 4 lần/ngày trong hơn 1 tuần) thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ bị dị ứng sữa công thức. Ngoài ra, lúc này, phân của trẻ có thể loãng, có màu xanh lẫn dịch nhầy hoặc máu.
Dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa công thức
Thường xuyên nôn trớ
Trẻ dị ứng sữa công thức thường nôn trớ nhiều hơn bình thường. Nhiều ba mẹ có thể nhầm lẫn nôn trớ như một biểu hiện sinh lý tự nhiên do hệ tiêu hóa của con chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu thấy bé nôn trớ nhiều ngay sau khi uống sữa kèm theo khó nuốt thì đó có thể là dấu hiệu của dị ứng sữa công thức. Trong những trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể nôn ra toàn bộ lượng sữa đã tiêu thụ.
Da nổi mẩn đỏ, phát ban sau khi uống sữa
Khi bị dị ứng sữa công thức, sau khi uống, da của trẻ có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ, phát ban hoặc mụn nước. Trẻ có thể cảm thấy ngứa, khó chịu, các nốt mụn nước bị vỡ ra rồi đóng vảy. Các vùng thường bị ảnh hưởng nhiều nhất là mặt, cổ, tay và chân.
Phát ban là dấu hiệu dị ứng sữa công thức
Cơ thể sưng phù
Không chỉ mẩn đỏ, phát ban, trẻ dị ứng sữa công thức còn có thể bị sưng phù ở môi, mí mắt hoặc toàn thân. Nguy hiểm hơn, con có thể bị sưng phù vùng hầu họng, gây khó nuốt. Đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm cần can thiệp y tế ngay.
Thở khò khè hoặc khó thở
Sau khi uống sữa công thức, nhiều trẻ còn xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, khò khè, khó thở hoặc có âm thanh rít khi hít vào. Nguyên nhân chính là do dị ứng sẽ làm co thắt đường hô hấp. Lúc này, mẹ cần nhanh chóng phát hiện và đưa bé đi bác sĩ.
Triệu chứng khác
Ngoài các triệu chứng như đầy bụng, tiêu chảy, nôn trớ, da nổi mẩn, cơ thể sưng phù, thở khò khè…, trẻ bị dị ứng sữa công thức còn xuất hiện nhiều triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Cáu gắt, quấy khóc kéo dài không rõ lý do
- Mệt mỏi, lờ đờ
- Xuất hiện quầng thâm quanh mắt do thiếu oxy hoặc mất ngủ
- …
Các dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa công thức
Nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng sữa công thức
Trẻ bị dị ứng sữa công thức khá phổ biến, đặc biệt là trong giai đoạn sơ sinh. Nó chiếm tới 10 - 30%. Theo thời gian, tình trạng dị ứng sữa công thức ở trẻ sơ sinh sẽ chấm dứt khi lên 3 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có thể bị dị ứng sữa công thức suốt đời. Tình trạng này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Dị ứng đạm sữa bò: Đạm sữa bò là nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng sữa công thức. Các protein như casein và whey trong sữa bò rất dễ kích hoạt phản ứng miễn dịch ở trẻ sơ sinh.
- Không dung nạp lactose: Trẻ thiếu enzyme lactase để tiêu hóa lactose (đường trong sữa) sẽ dẫn đến các triệu chứng như đầy bụng, tiêu chảy, hoặc đau bụng sau khi uống sữa.
- Cơ địa nhạy cảm hoặc yếu tố di truyền: Những trẻ có cơ địa nhạy cảm hoặc tiền sử gia đình có người bị dị ứng (hen suyễn, viêm da dị ứng,...) thường dễ bị dị ứng sữa công thức. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu cha/mẹ dị ứng sữa công thức thì tỷ lên trẻ cũng bị dị ứng có thể lên tới 80%
- Thành phần khác trong sữa không phù hợp: Một số chất phụ gia hoặc thành phần tổng hợp trong sữa công thức cũng có thể gây dị ứng cho trẻ.
- …
Nguyên nhân dị ứng sữa công thức ở trẻ sơ sinh
Biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị dị ứng sữa công thức
Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, dị ứng sữa công thức ở trẻ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Sốc phản vệ: Đây là phản ứng dị ứng cấp tính nghiêm trọng, gây khó thở, tụt huyết áp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân là do khi trẻ tiếp xúc với protein gây dị ứng trong sữa công thức, cơ thể có thể phản ứng bằng cách gây co thắt đường thở, hạ huyết áp đột ngột và suy tim. Lúc này, ba mẹ có thể thấy bé khó thở, da tái nhợt, mạch yếu, và tím tái.
- Thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển: Trẻ bị dị ứng sữa công thức thường không thể hấp thụ đầy đủ dưỡng chất cần thiết từ sữa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt các chất cần thiết. Điều này có thể gây chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng và trí tuệ của trẻ trong giai đoạn phát triển quan trọng.
- Viêm da dị ứng kéo dài: Dị ứng sữa công thức có thể gây viêm da dị ứng, khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm da bị tổn thương nặng hơn, thậm chí dẫn đến sẹo hoặc nhiễm trùng.
- Rối loạn tiêu hóa nặng: Nếu không được can thiệp kịp thời, ngoài sốc phản vệ, thiếu dinh dưỡng, viêm da, dị ứng sữa công thức còn có thể làm tổn thương niêm mạc ruột, gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như: tiêu chảy kéo dài, đầy bụng, chướng hơi và không dung nạp thức ăn, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dưỡng chất.
- Hen suyễn: Trẻ bị dị ứng sữa công thức có nguy cơ cao mắc các bệnh lý hô hấp, trong đó phổ biến nhất là hen suyễn. Đây là một bệnh mãn tính gây khó thở, ho khò khè, đặc biệt trong các đợt dị ứng hoặc thay đổi thời tiết.
- Thiếu máu và suy dinh dưỡng: Dị ứng sữa công thức kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu. Nguyên nhân là do cơ thể không hấp thụ đủ chất sắt từ thực phẩm. Thiếu máu khiến trẻ xanh xao, mệt mỏi, lờ đờ và giảm khả năng vận động cũng như tập trung.
- Nhiễm trùng thứ phát: Ngoài các biến chứng nguy hiểm được đề cập ở trên, trẻ bị dị ứng sữa công thức có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, virus xâm nhập tăng cao do viêm da dị ứng hoặc tiêu chảy kéo dài. Điều này cũng làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác.
- …
Dị ứng sữa công thức gây ra nhiều biến chứng
Cách xử lý khi trẻ dị ứng sữa công thức
Dị ứng sữa công thức cần được phát hiện và xử lý kịp thời để đảm bảo sức khỏe của trẻ. Dưới đây là các bước cụ thể để xử lý:
Xử lý ngay khi phát hiện dị ứng
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu dị ứng (nổi mẩn, tiêu chảy, nôn trớ, khó thở), ba mẹ cần: Ngưng ngay lập tức loại sữa đang sử dụng. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc dị ứng để được kiểm tra và chẩn đoán.
- Chẩn đoán dị ứng: Test lẩy da, xét nghiệm máu
- Trường hợp dị ứng nghiêm trọng: Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, tím tái hoặc sưng phù mặt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức hoặc gọi cấp cứu.
Cách xử lý dị ứng sữa công thức ở trẻ sơ sinh
Lựa chọn sữa thay thế phù hợp
Để giảm thiểu tình trạng bé bị dị ứng sữa công thức, nên tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh mà còn là dinh dưỡng lành tính, đặc biệt là với trẻ bị dị ứng sữa công thức.
Bên cạnh đó, ba mẹ có thể thay thế sữa công thức khác, chuyển sang loại không chứa đạm bò, chẳng hạn như:
- Sữa công thức thủy phân toàn phần
- Sữa công thức từ axit amin
- Sữa công thức từ đạm đậu nành
- Sữa dê
- …
Đừng bỏ qua: Dấu hiệu trẻ không hợp sữa công thức
Dự phòng và phòng ngừa tái phát
Đối với trẻ chưa có dấu hiệu dị ứng, nên ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ để giảm nguy cơ dị ứng do trong sữa mẹ có các kháng thể tự nhiên và các thành phần hỗ trợ miễn dịch. Ngoài ra, nếu có nguy cơ dị ứng di truyền (gia đình có tiền sử dị ứng), mẹ cũng nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm dễ gây dị ứng (như sữa bò, đậu phộng, hải sản) khi cho con bú. Nếu trẻ không thể bú mẹ, nên chọn sữa công thức thủy phân một phần hoặc hoàn toàn để giảm nguy cơ dị ứng.
Ngoài ra, với những trẻ bị dị ứng sữa công thức, mẹ nên thay đổi chế độ ăn. Cụ thể:
- Đối với trẻ bú mẹ: Nên loại bỏ sữa bò và các sản phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn của mình.
- Đối với trẻ ăn dặm: Nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn các thực phẩm chứa đạm sữa bò. Thay vào đó, hãy bổ sung nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng khác cho con như cá, thịt, rau củ, ngũ cốc…
Bên cạnh đó, ba mẹ nên ghi chép lại thực phẩm và sữa bé ăn hàng ngày để xác định chính xác nguyên nhân gây kích ứng, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe và đưa trẻ đi khám định kỳ để đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Dị ứng sữa công thức có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ nếu không được xử lý đúng cách. Do đó, việc nhận biết sớm dấu hiệu, tìm hiểu nguyên nhân và thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp là vô cùng quan trọng để bảo vệ trẻ phát triển khỏe mạnh. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp mẹ có phương pháp chăm sóc trẻ phù hợp nếu con bị dị ứng sữa công thức.