Tháo gỡ nỗi lo trẻ biếng ăn sinh lý: do đâu và nên làm gì để cải thiện?
Đăng ngày 13/06/2024
Dấu hiệu trẻ biếng ăn sinh lý
Biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ chán ăn, ăn uống ít hơn bình thường mà không do bệnh lý thực thể nào gây ra. Biếng ăn sinh lý là hiện tượng hoàn toàn bình thường và xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ do những thay đổi về mặt sinh lý trong quá trình phát triển. Trẻ biếng ăn sinh lý thường biểu hiện qua một số dấu hiệu đặc trưng:
Trẻ biếng ăn sinh lý có nhiều biểu hiện dễ nhận thấy
Trẻ ăn ít, khi ăn hay quấy khóc
Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của trẻ biếng ăn sinh lý là trẻ ăn ít hơn bình thường và thường xuyên quấy khóc trong bữa ăn. Trẻ có thể từ chối những món ăn mà trước đây rất yêu thích, hoặc chỉ ăn rất ít mà không rõ lý do.
Bé giảm cân, chững cân
Khi bé biếng ăn, cân nặng của bé có thể giảm hoặc chững lại. Điều này là một trong những yếu tố khiến cha mẹ lo lắng nhất, vì sự phát triển về cân nặng là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe.
Thời gian ăn không ổn định
Trẻ biếng ăn sinh lý thường không có thời gian ăn ổn định. Trẻ có thể ăn rất nhanh hoặc rất chậm, không tập trung vào bữa ăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lượng thức ăn mà trẻ tiêu thụ, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cả trẻ và cha mẹ trong các bữa ăn.
Hay ngậm thức ăn
Một biểu hiện khác của trẻ biếng ăn sinh lý là thói quen ngậm thức ăn. Trẻ có thể ngậm thức ăn trong miệng mà không nhai hoặc nuốt, dẫn đến việc bữa ăn kéo dài mà không hiệu quả. Điều này có thể do trẻ không cảm thấy đói hoặc không thích thức ăn được cung cấp.
Trẻ nghịch ngợm, mất tập trung khi ăn
Khi trẻ biếng ăn sinh lý, trẻ thường dễ mất tập trung trong bữa ăn. Trẻ có thể nghịch ngợm, chơi đồ chơi, hoặc chú ý đến những yếu tố xung quanh hơn là việc ăn uống. Điều này làm giảm hiệu quả của bữa ăn và khiến quá trình ăn uống trở nên căng thẳng hơn.
Trên đây là các dấu hiệu để cha mẹ có thể phân biệt biếng ăn sinh lý với các loại biếng ăn khác như trẻ biếng ăn bệnh lý, biếng ăn tâm lý. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu này sẽ giúp cha mẹ xác định tình huống cơ thể của con, từ đó có phương án can thiệp kịp thời, tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Trẻ ăn ít, từ chối ăn hoặc hay quấy khóc
Vì sao trẻ biếng ăn sinh lý?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ, trong đó phổ biến nhất là thay đổi môi trường và các vấn đề về tiêu hóa, đề kháng của trẻ.
Do những thay đổi sinh lý trong từng giai đoạn phát triển của trẻ
Biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ có thể do các giai đoạn phát triển khác nhau tương ứng với những sự thay đổi về sinh lý của cơ thể trẻ. Chúng có thể diễn ra nhiều lần hoặc lặp đi lặp lại trong suốt quá trình phát triển, biến đổi thể chất tự nhiên như: mới mọc răng, tập ăn dặm, tập nói, tập đi, mới đi học mầm non…
Thay đổi môi trường
Môi trường sống và các yếu tố xung quanh thay đổi có thể ảnh hưởng đến tâm lý và thói quen ăn uống của trẻ. Chẳng hạn, việc chuyển nhà, thay đổi người chăm sóc, hoặc sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình có thể làm trẻ cảm thấy bất an và dẫn đến biếng ăn.
Gặp vấn đề về tiêu hóa - đề kháng
Các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, hay các bệnh lý về đường ruột cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống hoặc môi trường sống. Ngoài ra, sức đề kháng yếu khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, dẫn đến mệt mỏi và biếng ăn.
Biếng ăn sinh lý hay gặp phải ở 1 số giai đoạn phát triển nhất định
Các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh
Giai đoạn 3-4 tháng tuổi: Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu phát triển kỹ năng vận động như lật người, tập ngồi. Các hoạt động mới này có thể làm trẻ mất tập trung khi ăn và giảm sự thèm ăn.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh
Trong những tháng đầu đời, trẻ sơ sinh trải qua nhiều thay đổi về sinh lý nên việc trẻ biếng ăn, cụ thể là biếng bú có thể gặp phải bởi một số lý do sau.
-
Biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh 3-4 tháng tuổi có thể do con bắt đầu hát triển sự nhận thức về môi trường xung quanh. Trẻ trở nên tò mò và dễ bị phân tâm bởi những âm thanh, hình ảnh mới lạ. Điều này làm giảm sự tập trung vào việc bú. Bên cạnh đó hệ tiêu hoá còn đang hoàn thiện nên yếu và dễ gặp vấn đề tiêu hoá, gây ra cảm giác khó chịu khi ăn.
-
Trẻ 6-10 tháng tuổi tái diễn lười ăn sinh lý do bắt đầu chuyển từ sữa mẹ sang ăn dặm. Việc này đòi hỏi trẻ phải làm quen với các loại thức ăn mới, cấu trúc và hương vị khác nhau. Quá trình này có thể làm trẻ cảm thấy không thoải mái, dẫn đến tình trạng biếng ăn.Giai đoạn này có thể khiến trẻ biếng ăn do việc mọc răng gây đau và khó chịu.
Trẻ sơ sinh biếng bú sinh lý
Biếng ăn sinh lý ở trẻ dưới 1 tuổi
Giai đoạn 11 - 12 tháng tuổi đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng khi trẻ chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm hoàn chỉnh. Trẻ có thể trở nên biếng ăn do sự thay đổi về sinh lý và tâm lý khi chuyển từ bú sữa sang ăn thức ăn rắn nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm trẻ bắt đầu phát triển khả năng tự lập và có xu hướng tự quyết định việc ăn uống.
Biếng ăn sinh lý ở trẻ trên 1 tuổi
Từ 19 - 24 tháng tuổi, trẻ bước vào giai đoạn học hỏi và khám phá nhiều hơn. Trẻ trở nên “cứng đầu” hơn và có thể từ chối ăn uống theo ý muốn của mình. Biếng ăn sinh lý ở giai đoạn này thường xuất phát từ việc trẻ muốn thể hiện sự tự lập và tự quyết định mình ăn gì.
Làm gì khi trẻ biếng ăn sinh lý?
Khi trẻ biếng ăn sinh lý, cha mẹ cần áp dụng một số biện pháp để cải thiện tình trạng này và đảm bảo trẻ nhận đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện.
Tạo môi trường ăn uống thoải mái
Môi trường ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự thèm ăn của trẻ. Hãy tạo ra không gian ăn uống yên tĩnh, không có nhiều yếu tố gây xao lãng như TV, điện thoại hay đồ chơi. Ngoài ra, việc ngồi ăn cùng gia đình cũng giúp trẻ cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn với bữa ăn.
Khuyến khích trẻ tham gia chuẩn bị bữa ăn
Hãy cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn, từ việc chọn món, chuẩn bị nguyên liệu đến việc bày biện bàn ăn. Điều này không chỉ giúp trẻ có cảm giác thích thú hơn mà còn giúp trẻ học hỏi về các loại thực phẩm và cách chế biến.
Đa dạng thực đơn cho trẻ
Thực đơn đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau sẽ giúp trẻ không cảm thấy nhàm chán và có hứng thú hơn với việc ăn uống. Hãy thử thay đổi cách chế biến và trình bày món ăn để kích thích thị giác và vị giác của trẻ.
Kiên nhẫn và không ép buộc
Việc ép buộc trẻ ăn sẽ chỉ làm tăng thêm căng thẳng và có thể gây phản tác dụng. Hãy kiên nhẫn và khuyến khích trẻ ăn bằng cách tạo ra những bữa ăn vui vẻ và thoải mái. Đừng lo lắng quá nếu trẻ không ăn nhiều trong một bữa, thay vào đó, hãy chú trọng đến tổng lượng dinh dưỡng trẻ nhận được trong cả ngày.
Tư vấn dinh dưỡng với chuyên gia
Nếu tình trạng biếng ăn sinh lý của trẻ kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa để có biện pháp can thiệp kịp thời và chính xác.
Ngoài hành động, ba mẹ cần giữ thái độ kiên nhẫn khi giải quyết tình trạng trẻ biếng ăn
Biếng ăn sinh lý là một giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ nhỏ, và việc hiểu rõ nguyên nhân cũng như cách cải thiện tình trạng này sẽ giúp cha mẹ chăm sóc con tốt hơn. Hãy luôn kiên nhẫn, tạo môi trường ăn uống thoải mái và khuyến khích trẻ tham gia vào bữa ăn để giúp trẻ vượt qua giai đoạn biếng ăn một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.