Bé biếng ăn: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý hiệu quả
Đăng ngày 18/11/2022
Nội dung chính
|
Dấu hiệu trẻ biếng ăn
Biếng ăn rất dễ gặp ở trẻ nhỏ những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn 1-6 tuổi. Ba mẹ cần theo dõi sát sao sinh hoạt của con để sớm nhận diện được những dấu hiệu bé biếng ăn sau.
- Ăn ít dần đi, lượng ăn không được như giai đoạn trước đó, ăn không hết suất. Với trẻ đang bú mẹ có thể bú ít hơn bình thường và không còn chủ động đòi bú. Thậm chí trẻ còn từ chối bú mẹ và thường xuyên quấy khóc.
- Trẻ ngậm thức ăn không chịu nuốt: Đây là biểu hiện quen thuộc của tất cả các dạng biếng ăn. Nhiều trẻ tỏ thái độ không hợp tác, quấy khóc và thậm chí nhổ đồ ăn ra ngoài.
- Khi nhìn thấy thức ăn có phản ứng nôn ọe, gào thét, khóc lóc, từ chối không chịu ăn mặc dù mẹ đã dỗ bằng rất nhiều cách.
- Thường xuyên không chịu ăn hết khẩu phần ăn của mình hoặc ngồi lâu, kéo dài bữa ăn đến hơn 30 phút/bữa.
- Bé chậm tăng cân/không tăng cân liên tục trong 3 tháng liền. Để phát hiện điều này, mẹ cần thường xuyên kiểm tra cân nặng của con.
- Trẻ không tâm trung khi ăn: Các bé đang trong tuổi tập đi, tập bò thường rất hiếu động. Do vậy con thường không chịu ngồi yên một chỗ khi ăn và dễ bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài như mải chơi đồ chơi, chạy nhảy xung quanh.
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
3 loại biếng ăn thường gặp ở trẻ: biếng ăn sinh lý, biếng ăn tâm lý và biếng ăn bệnh lý
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ:
Trẻ đến mốc phát triển thể chất và tinh thần
Ở một số giai đoạn phát triển nhất định, trẻ có thể dễ biếng ăn hơn bình thường. Đây gọi là biếng ăn sinh lý. Trẻ biếng ăn sinh lý khi bước vào giai đoạn mọc răng, tập bò, tập nói… Biếng ăn sinh lý sẽ chỉ là tạm thời và thường kéo dài từ vài ngày hoặc 1-2 tuần cho đến khi thể trạng của trẻ khỏe mạnh trở lại. Cụ thể:
- Từ 3 đến 4 tháng tuổi: Lúc này bé đang bắt đầu tập lẫy, ngóc đầu để quan sát và nhìn ngắm xung quanh.
- Từ 6 đến 7 tháng tuổi: Đây là khoảng thời gian bé bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm. Bé phải làm quen với thực phẩm ở dạng thô và đa dạng mùi vị hơn nên có thể sẽ cần thời gian để thích nghi. Vì thế giai đoạn đầu ăn dặm bé có thể lười ăn một chút vì chưa quen.
- Từ 9 đến 10 tháng tuổi: Giai đoạn này bé hiếu động hơn do đã bắt đầu tập bò, tập đứng, tập đi và bập bẹ tập nói, thích tương tác với mọi người nên sẽ dễ bị thu hút bởi nhiều yếu tố xung quanh. Con dễ bị mất tập trung khi đến bữa ăn dẫn đến thời gian ăn lâu hơn. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu mọc răng nên bé có thể sưng lợi, sốt nhẹ dẫn đến khó chịu và mệt mỏi nên biếng ăn hơn thông thường.
- Trẻ sinh non, thiếu chất từ trong bụng mẹ nên chưa phát triển bằng bé đủ ngày đủ tháng cũng có thể lười bú mẹ hơn những trẻ khác...
Bé do bị ốm, đặc biệt là các bệnh liên quan đến tiêu hóa
Nguyên nhân bé biếng ăn cũng có thể do con đang gặp vấn đề sức khỏe. Tình trạng này được gọi là trẻ biếng ăn bệnh lý . Một số bệnh thường gặp khiến trẻ biếng ăn có thể kể tới như:
- Gặp vấn đề về răng miệng: Giai đoạn bé mọc răng thường gặp các vấn đề biếng ăn sinh lý. Tuy nhiên nếu không chăm sóc con cẩn thận sẽ dẫn đến biếng ăn bệnh lý do gặp các vấn đề về răng lợi. Nhiều bé bị viêm lợi, nấm lưỡi, áp xe lợi, viêm tuyến nước bọt, sâu răng, loét miệng…khiến bé thấy khó chịu, quấy khóc, không muốn ăn. Khi gặp vấn đề về răng miệng trẻ sẽ thấy đau nhức răng, sốt, chảy máu từ đó giảm khả năng ăn uống dẫn đến bỏ ăn.
- Rối loạn tiêu hoá: Trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa hoặc chức năng tiêu hóa kém có thể đau bụng, nôn trớ hoặc táo bón, tiêu chảy cấp tính… Những triệu chứng này khiến trẻ mệt mỏi, không muốn ăn gì hoặc ăn rất ít. Có bé sợ cảm giác nôn trớ nên lại càng không muốn ăn. Nguồn cơn của những vấn đề về tiêu hóa ở trẻ chủ yếu là do loạn khuẩn, rối loạn tiết dịch hoặc sự co bóp bất thường trong ruột và dạ dày.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ là khi vi khuẩn hoặc virus gây ra tổn thương ở những vị trí như tai, mũi, họng, thanh quản, phổi… Không những bé ăn ít đi do mệt mỏi, sốt mà có thể còn bị nặng hơn là nôn, co giật, ngủ li bì.
- Thiếu chất: Trẻ biếng ăn bệnh lý còn do thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Đây là yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Thiếu hụt các vi chất cần thiết sẽ khiến bé dễ mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
- Việc sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau... cũng khiến cơ thể mệt mỏi, mất cân bằng, làm trẻ chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn rất ít.
Bé biếng ăn do bị ép ăn
Trẻ biếng ăn, sợ ăn còn có thể do bị tác động từ yếu tố tâm lý, tâm trạng. Thông thường, các mẹ hay có xu hướng ép con theo khuôn khổ nào đó như ăn theo thời gian biểu cố định; ép ăn nhiều loại đồ ăn (kể cả món bé không thích)... Nhiều lúc không khí bữa ăn quá căng thẳng vì con bị nhắc nhở, dọa nạt cũng có thể là nguyên nhân làm cho trẻ biếng ăn tâm lý .
Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng không hợp lý
Việc cho con ăn không đúng cữ, đúng giờ cũng có thể khiến trẻ không “quen dạ”; để trẻ ăn vặt nhiều trước khi ăn bữa chính làm con không có cảm giác đói bụng, không ăn đủ lượng cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng không cân đối (quá nhiều tinh bột), thức ăn không hợp khẩu vị, thực đơn không đa dạng, cách chế biến món ăn không phù hợp với độ tuổi (đồ ăn quá nhuyễn hoặc quá đặc cứng) làm cho bé cảm thấy nhàm chán, bị thiếu chất (vitamin nhóm B, magie, kẽm), gây nên chứng biếng ăn.
Môi trường thay đổi
Môi trường thay đổi cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Cụ thể khi con bắt đầu đi nhà trẻ và làm quen với môi trường mới, chế độ ăn mới; hoặc gia đình mới chuyển nhà; thay đổi thời tiết…sẽ khiến việc ăn uống của con bị rối loạn vài ngày, biếng ăn trong khoảng 1-2 tuần đầu mới có thể dần thích ứng.
Biếng ăn ở trẻ gây hậu quả gì?
Tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng sự phát triển toàn diện của trẻ.
Biếng ăn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng
Trẻ bị thiếu chất, chậm phát triển thậm chí rối loạn tăng trưởng
Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày rất lớn. Biếng ăn dài ngày có thể khiến cơ thể không được đáp ứng đủ chất. Trong đó phải kể đến những chất mà cơ thể chỉ cần 1 lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu hụt thì lại có tác hại vô cùng nghiêm trọng, ví dụ như: thiếu vitamin A khiến mắt khô; thiếu vitamin B1 có thể gây tê phù; thiếu sắt có nguy cơ gây thiếu máu; thiếu vitamin D, canxi có thể gây bệnh còi xương…
Tình trạng phổ biến thường gặp ở các phòng khám dinh dưỡng là những trẻ có chỉ số thấp bé, nhẹ cân hơn trẻ cùng độ tuổi hầu hết là các trẻ biếng ăn.
Suy giảm đề kháng, dễ nhiễm bệnh
Đề kháng giảm sút, trẻ dễ mắc bệnh hơn đặc biệt là những bệnh về tiêu hoá và hô hấp như táo bón, tiêu chảy, viêm họng…Khi bệnh trẻ lại càng biếng ăn hơn. Điều này vô tình tạo nên một vòng luẩn quẩn mệt mỏi cho các bậc phụ huynh: trẻ biếng ăn – bệnh – biếng ăn – suy dinh dưỡng – bệnh – biếng ăn.
Chậm phát triển trí não và chỉ số cảm xúc
Trẻ biếng ăn có nguy cơ thiếu các dưỡng chất quan trọng là “thức ăn” cho não bộ như protein, omega 3, omega 6 DHA, taurine, sắt… Một nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra trẻ biếng ăn thua kém hơn hẳn về điểm trí tuệ so với trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Sự thua thiệt này có thể ảnh hưởng tới suốt ít nhất là 5 năm phát triển về sau mới có thể cải thiện được. Điều này khiến trẻ trở nên kém nhạy bén, tư duy chậm, học hành kém hơn và trở nên thụ động, khó hòa nhập.
Giải pháp cho trẻ biếng ăn
Có thể thấy, trẻ lười ăn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của con, do vậy bố mẹ cần có giải pháp cho trẻ biếng ăn càng sớm càng tốt.
Giải pháp cho trẻ biếng ăn dựa trên nguyên nhân trẻ biếng ăn
Điều trị hiệu quả các bệnh lý liên quan
Nếu bé biếng ăn do mắc các bệnh lý thì bố mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, có cách điều trị thích hợp, giúp trẻ sớm khỏi bệnh và ăn uống tốt hơn. Đồng thời tránh việc tự ý mua thuốc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con.
Điều chỉnh cách cho ăn, chế độ sinh hoạt hợp lý
- Không trộn thuốc vào thức ăn làm con thấy không thoải mái với hương vị món ăn. Trẻ nhạy cảm với mùi vị sẽ phản ứng lại và từ chối thức ăn, từ đó dần hình thành tâm lý rằng bị “đánh lừa” bởi cha mẹ nên càng không muốn ăn hơn.
- Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, không ép con ăn quá nhiều trong 1 bữa nếu như con không muốn. Ba mẹ có thể phân chia thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày, bao gồm 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Các bữa ăn nên được sắp xếp cách nhau khoảng 2-3 giờ để tránh trẻ cảm thấy no quá lâu hoặc quá đói. Bữa chính nên đầy đủ dinh dưỡng với đủ các nhóm chất, trong khi bữa phụ có thể là trái cây, sữa chua hoặc bánh quy nguyên cám, giúp kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Chế độ sinh hoạt của trẻ biếng ăn cũng cần được lưu tâm hơn. Ví dụ: Trẻ nên được ngủ đủ giấc từ 10-12 tiếng mỗi đêm và có giấc ngủ trưa ngắn từ 1-2 tiếng; khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài trời để tiêu hao năng lượng, kích thích cảm giác đói và thèm ăn; tránh ăn vặt trước bữa chính, ăn đúng giờ đúng bữa…
Bỏ đói con đúng cách
Việc áp dụng cách bỏ đói trẻ biếng ăn cần được xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc khía cạnh sức khỏe cũng như tính cách của từng trẻ. Ngoài ra ba mẹ cũng cần thực hiện đúng cách, đảm bảo được 4 nguyên tắc bao gồm:
- Cho trẻ ăn đúng giờ, cố định lịch ăn
- Giãn khoảng cách giữa các bữa ăn
- Cắt hoàn toàn bữa phụ
- Kiên nhẫn đến kho con chấp nhận ăn.
Xem thêm: Cách bỏ đói trẻ biếng ăn đúng chuẩn khoa học
Tạo không khí vui vẻ, thoải mái vào mỗi bữa ăn
Không ép con ăn
Tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong mỗi bữa ăn. Không ép con ăn mà cho con ăn đúng nhu cầu, đủ lượng cần thiết. Nếu bữa chính con ăn chưa đủ thì mẹ có thể bổ sung thêm dinh dưỡng cho con vào các bữa phụ trong ngày thay vì lớn tiếng ép con ăn hay ăn rong.
Cho con ăn đúng bữa, nếu được nên cho ăn cùng giờ với cả nhà để tâm trạng của con vui vẻ, kích thích thèm ăn hơn.
Bổ sung dinh dưỡng cân đối, đa dạng cho trẻ
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn nên đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thay đổi đa dạng các loại thực phẩm để kích thích con ăn ngon miệng hơn, tránh bị thừa hoặc thiếu chất. Trẻ biếng ăn nên bổ sung các vi chất hỗ trợ kích thích vị giác như kẽm, lysine, vitamin nhóm B và chú ý chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, bổ sung thêm chất xơ để trẻ hấp thu dễ dàng hơn.
Xem thêm: Thực đơn cho trẻ biếng ăn trong 1 tuần, con ăn thun thút
Khuyến khích trẻ vận động
Quá trình hoạt động thể chất giúp toàn bộ cơ thể cùng tham gia vào quá trình đốt cháy năng lượng một cách hiệu quả.Khi năng lượng tiêu hao hết, trẻ sẽ có nhu cầu ăn uống để bổ sung phần năng lượng thiếu hụt. Trong trạng thái thèm ăn hoặc xuất hiện cơn đói, trẻ sẽ ăn ngon và ăn nhiều hơn mức bình thường.
Giữ kiên nhẫn với trẻ
Để giúp trẻ vượt qua giai đoạn biếng ăn rất cần sự kiên nhẫn của ba mẹ. Đặc biệt khi con đang trong những giai đoạn thay đổi như làm quen với thực phẩm mới, thích nghi với môi trường mới…
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của Vinlac, ba mẹ đã hiểu thêm về chứng biếng ăn ở bé cũng như có phương án phù hợp để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ. Đồng thời ba mẹ nên chú ý quan sát con để nhận biết những dấu hiệu biếng ăn sinh lý, tâm lý hoặc sinh lý để khắc phục kịp thời nhất, tránh những hệ lụy không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe của con.