Trẻ mọc răng biếng ăn ba mẹ nên chăm sóc thế nào
Đăng ngày 15/08/2024
Giai đoạn trẻ mọc răng biếng ăn
Trẻ mọc răng biếng ăn thuộc biếng ăn sinh lý, một hiện tượng tự nhiên không quá đáng lo. Tuy nhiên, ba mẹ cần nắm rõ các thời điểm trẻ mọc răng và nhận biết các dấu hiệu để xác định chính xác nguyên nhân gây biếng ăn. Điều này giúp ba mẹ có thể chăm sóc trẻ đúng cách và đảm bảo sức khỏe cho con trong những thời điểm mọc răng này.
Thời điểm mọc răng của trẻ
Thông thường, trẻ bắt đầu mọc răng từ khoảng 6 tháng tuổi và quá trình này kéo dài cho đến khi trẻ được khoảng 3 tuổi. Tuy nhiên, không phải tất cả các bé đều theo một lịch trình cố định. Một số bé có thể mọc răng sớm hơn hoặc muộn hơn một chút.
Thời điểm mọc răng đầu tiên thường là hai răng cửa dưới, sau đó là các răng cửa trên và các răng khác lần lượt xuất hiện. Quá trình mọc răng có thể diễn ra khá nhanh chóng với từng chiếc răng mới xuất hiện sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng. Trong suốt thời gian này, trẻ có thể trải qua nhiều thay đổi và khó chịu, ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của bé.
Có thể bạn quan tâm: Mẹ làm gì khi trẻ mọc răng
Trẻ mọc răng bắt đầu với 2 chiếc răng cửa dưới
Dấu hiệu trẻ biếng ăn do mọc răng
Trẻ biếng ăn do mọc răng thường bỏ bú, bú ít hơn hoặc ăn kém hơn bình thường đi kèm với những dấu hiệu sau:
- Chảy dãi nhiều hơn: Bé biếng ăn kèm chảy dãi nhiều hơn bình thường là do khi mọc răng tuyến nước bọt hoạt động mạnh hơn để làm dịu các vùng lợi bị kích thích bởi răng mới mọc.
- Sốt nhẹ: Trẻ ăn uống kém, sốt nhẹ từ 37.5 - 38,5 độ C, không kèm tiêu chảy, ho, sổ mũi có thể là dấu hiệu của chán ăn do mọc răng.
- Phát ban xung quanh miệng: Bé cảm thấy khó chịu không muốn ăn uống và hay chảy dãi nhiều, da xung quanh miệng, cằm của bé bị kích ứng và phát ban.
- Rối loạn tiêu hóa: Trẻ bị đi ngoài không quá 4 ngày, phân lỏng kèm theo nhiều dãi, hay cho tay vào miệng, người mệt lả, chán ăn.
- Hay gặm đồ đạc: Nướu sưng đỏ, hay gặm đồ đạc xung quanh để làm dịu cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở lợi. Đây là dấu hiệu rõ ràng của việc mọc răng và có thể là nguyên nhân làm giảm sự hứng thú của bé đối với thức ăn.
- Khó chịu và mệt mỏi: Bé có thể trở nên khó chịu, quấy khóc nhiều hơn và mệt mỏi do cơn đau nhức và sự thay đổi trong cơ thể. Điều này khiến bé không muốn ăn uống như bình thường.
Chảy dãi, hay gặm tay hoặc đồ chơi kèm với sốt nhẹ là dấu hiệu thường gặp khi trẻ mọc răng
Nguyên nhân trẻ mọc răng biếng ăn
Hiện tượng trẻ biếng ăn trong giai đoạn mọc răng có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân chính như sau:
- Đau nhức và khó chịu ở lợi: Khi răng mới bắt đầu mọc, lợi của trẻ bị kích thích và có thể bị sưng, đỏ và đau nhức. Cảm giác này làm bé cảm thấy khó chịu, khiến bé không muốn ăn uống. Mỗi lần nhai hoặc cắn thức ăn, cảm giác đau càng trở nên rõ rệt, khiến bé từ chối ăn.
- Mệt mỏi do sốt: Như đã đề cập ở phần trước, trẻ thường bị sốt nhẹ trong quá trình mọc răng. Cơn sốt này, dù không cao, nhưng cũng đủ làm bé cảm thấy mệt mỏi. Khi đó, bé sẽ mất hứng thú với thức ăn và trở nên biếng ăn.
- Rối loạn vị giác khi mọc răng: Khi mọc răng, nướu bị sưng, viêm và trở nên nhạy cảm, làm thay đổi cách trẻ cảm nhận mùi vị thức ăn. Những cảm giác đau và khó chịu ở nướu có thể làm trẻ cảm thấy thức ăn không ngon miệng, thậm chí là khó chịu khi nhai và nuốt. Bên cạnh đó, khi nướu bị kích thích hoặc tổn thương, các tín hiệu vị giác từ lưỡi đến não có thể bị gián đoạn hoặc thay đổi, dẫn đến việc trẻ không còn cảm thấy hứng thú với các loại thức ăn quen thuộc, gây ra tình trạng rối loạn vị giác tạm thời.
Cách chăm sóc trẻ mọc răng biếng ăn
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Khi trẻ mọc răng và trở nên biếng ăn, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng để đảm bảo bé vẫn nhận đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự hồi phục lợi và sức khoẻ sau khi mọc răng.
-
Bổ sung các vi chất, nổi bật như phốt-pho, magie, vitamin C, vitamin A, và các khoáng chất khác để hỗ trợ quá trình mọc răng và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cụ thể ba mẹ có thể tham khảo bảng sau:
Dưỡng chất |
Vai trò |
Nguồn thực phẩm |
Phốt pho |
- Kết hợp với canxi để tạo thành hydroxyapatite, thành phần chính của men răng và xương. - Củng cố cấu trúc răng, làm cho răng chắc khỏe hơn |
Cá, trứng, sữa, các loại hạt |
Magie |
- Đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và sử dụng canxi giúp răng khoẻ hơn - Làm dịu các cơ và giảm cảm giác khó chịu - Hỗ trợ hệ miễn dịch |
Rau xanh, đậu nành, chuối, các loại hạt |
Vitamin C |
- Hình thành collagen, một loại protein cần thiết cho sự phát triển của nướu và mô liên kết giúp nướu khoẻ mạnh, nhanh lành. - Hỗ trợ miễn dịch |
Cam, dâu tây, kiwi, ớt chuông |
Vitamin A |
- Duy trì sự khỏe mạnh của màng nhầy trong miệng, giúp ngăn ngừa viêm nướu và các vấn đề về răng miệng khác. - Hỗ trợ miễn dịch |
Cà rốt, khoai lang, bí đỏ |
Đạm |
- Cung cấp các axit amin cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa các mô. - Cung cấp năng lượng giúp trẻ hồi phục sau ốm sốt, không bị mệt mỏi. |
Thịt gà, cá hồi, trứng, sữa, đậu, phomai… |
Kẽm |
- Tăng cường hệ miễn dịch: Kẽm có vai trò giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, hỗ trợ sự phát triển của các tế bào T và giúp làm lành vết thương - Hỗ trợ quá trình mọc răng: Kẽm hỗ trợ sức khỏe của nướu và niêm mạc miệng, giúp giảm các vấn đề liên quan đến mọc răng như viêm nhiễm và khó chịu - Ngoài ra kẽm còn tăng cảm giác thèm ăn, hỗ trợ xử lý vấn đề biếng ăn do mọc răng |
Tôm, lươn, hàu, sò, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...) |
- Duy trì lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức đầy đủ là vô cùng quan trọng. Sữa không chỉ cung cấp các dưỡng chất cần thiết mà còn giúp làm dịu cơn đau và khó chịu khi mọc răng. Cụ thể sữa mẹ chứa nhiều yếu tố miễn dịch như immunoglobulin A (IgA), lactoferrin, lysozyme và các cytokine kháng viêm. Các chất này giúp giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng nướu, làm dịu cảm giác đau và khó chịu. Trong khi đó sữa công thức cao cấp có thể được bổ sung các thành phần kháng viêm và hỗ trợ miễn dịch. Ngoài ra khi trẻ bú, phần núm vú sẽ tiếp xúc trực tiếp với nướu giúp con bớt cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
- Cho bé uống đủ nước hoặc bù nước cho bé từ nước ép trái cây tươi (đối với trẻ trên 1 tuổi) vì khi trẻ bỏ ăn, sốt dai dẳng rất dễ mất nước.
- Lưu ý về kết cấu các thực phẩm khi cho trẻ mọc răng ăn. Để việc ăn uống của con dễ dàng hơn hãy chọn những thực phẩm có kết cấu nhỏ, mềm nhừ. Một số gợi ý bao gồm cháo, súp, khoai tây nghiền, và các loại trái cây chín mềm như chuối, xoài. Mẹ có thể cho con dùng một số loại bánh ăn dặm như bánh quy, bánh mì sandwich có kết cấu hơi dai khi cắn nhưng vẫn mềm xốp. Tránh những thực phẩm cứng, dai, kích thước lớn vì chúng có thể làm lợi của bé thêm đau và khó chịu.
Ưu tiên các món ăn mềm, lỏng cho trẻ mọc răng biếng ăn để dễ ăn hơn
Vệ sinh răng nướu đúng cách
Vệ sinh răng nướu đúng cách không chỉ giúp giảm bớt cảm giác khó chịu mà còn ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng cho trẻ trong giai đoạn mọc răng.
- Làm sạch nướu sau khi ăn: Sau mỗi bữa ăn, hãy sử dụng một miếng gạc ướt hoặc khăn mềm để lau nhẹ nhàng nướu của bé. Điều này giúp loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm.
- Sử dụng bàn chải đánh răng mềm: Khi răng của bé đã bắt đầu mọc, hãy sử dụng bàn chải đánh răng dành riêng cho trẻ nhỏ, với đầu bàn chải mềm và lông bàn chải mịn. Chải nhẹ nhàng răng và nướu của bé mỗi ngày để giữ cho miệng bé luôn sạch sẽ.
- Tránh sử dụng kem đánh răng chứa fluoride cho trẻ dưới 2 tuổi: Với trẻ nhỏ, tránh sử dụng kem đánh răng chứa fluoride vì bé có thể nuốt phải. Thay vào đó, chỉ cần chải bằng nước sạch hoặc kem đánh răng không chứa fluoride.
- Kiểm tra răng miệng định kỳ: Hãy đưa bé đi kiểm tra răng miệng định kỳ tại nha sĩ để đảm bảo rằng quá trình mọc răng diễn ra bình thường và không có vấn đề gì nghiêm trọng.
Vệ sinh nước bằng dụng cụ chuyên dụng, đảm bảo vệ sinh
Giảm đau nhức răng nướu
Để giúp bé giảm bớt cảm giác đau nhức và khó chịu khi mọc răng, các bậc cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Massage nướu: Dùng ngón tay sạch hoặc một miếng gạc ướt mát để nhẹ nhàng massage nướu của bé. Điều này có thể giúp làm dịu cơn đau và giảm sưng nướu. Trước khi vệ sinh nướu và khoang miệng cho trẻ, cha mẹ cần sát khuẩn tay sạch sẽ. Làm ít nhất 2 lần mỗi ngày sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ.
- Đánh lạc hướng: Thay vì tập trung vào cơn đau, hãy thử đánh lạc hướng bé bằng cách chơi với bé hoặc cho bé xem những món đồ chơi yêu thích. Việc này giúp bé tạm quên đi cảm giác khó chịu và tạo ra môi trường vui vẻ, thoải mái hơn.
- Cho trẻ gặm hoa quả đã chế biến hoặc dụng cụ chuyên biệt: Thay vì cho bé gặm đồ chơi hay gặm tay, hãy cho bé gặm những loại hoa quả đã chế biến sẵn như táo, cà rốt cắt nhỏ và để trong tủ lạnh. Cảm giác mát lạnh và độ cứng nhẹ của hoa quả sẽ giúp giảm đau và làm dịu nướu của bé. Ngoài ra ba mẹ cũng có thể tham khảo các vật dụng được thiết kế chuyên biệt cho giai đoạn trẻ mọc răng như vòng ngậm nướu và đồ chơi gặm nướu. Những sản phẩm này thường làm từ chất liệu an toàn, không chứa BPA hay các hóa chất độc hại. Thiết kế của chúng mềm mại, đàn hồi và cũng có thể cấp lạnh để nướu trẻ dễ chịu hơn, vệ sinh và an toàn cho răng miệng.
Vòng ngậm nướu, đồ chơi gặm nướu cho bé mọc răng
Tạo tâm lý an tâm, thoải mái cho bé
Mọc răng là một quá trình tự nhiên và không thể tránh khỏi. Ba mẹ cần hiểu rằng biểu hiện biếng ăn và khó chịu của trẻ là bình thường và chỉ là tạm thời. Ba mẹ cần bình tĩnh và kiên nhẫn để cùng vượt qua giai đoạn trẻ biếng ăn sinh lý này. Ngoài ra hãy dành thời gian để ôm ấp, vỗ về và an ủi trẻ. Sự gần gũi và tình yêu thương từ ba mẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và giảm bớt căng thẳng. Tránh ép buộc trẻ ăn hay đe doạ trẻ vì có thể dẫn đến biếng ăn tâm lý, thậm chí là bệnh lý nếu con luôn phải ăn trong sự căng thẳng. Hãy nhẹ nhàng khuyến khích và tạo môi trường ăn uống thoải mái để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Trên đây là những chia sẻ về cách giúp bố mẹ chăm sóc trẻ mọc răng biếng ăn dễ dàng hơn. Đây là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ nên ba mẹ hãy hết sức lưu tâm để con có thể phát triển khoẻ mạnh và toàn diện nhất.