Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật cho bé phát triển toàn diện
Đăng ngày 20/09/2022
Nội dung chính Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 1 - Gokkun Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 2 - MoguMogu |
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 1 - Gokkun
Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tập ăn dặm, kỹ năng của bé trong thời điểm này chủ yếu là nuốt chửng. Mục tiêu ở giai đoạn này tập trung vào việc cho bé làm quen với việc ăn bằng muỗng và biết phân biệt vị của các loại thức ăn. Do đó, trong giai đoạn này, bé không ăn quá nhiều, cân nặng cũng không có sự tăng trưởng mạnh.
Thời điểm
Giai đoạn 1 trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thường được áp dụng cho những bé trong khoảng 5 - 6 tháng tuổi. Ở thời điểm này, bên cạnh sữa, bé cũng bắt đầu phát triển các kỹ năng ăn nên mẹ cần chú ý trong chế biến thức ăn cho con.
Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật theo từng mốc phát triển của bé
Phương pháp chế biến thức ăn
Trong giai đoạn này, thức ăn của bé cần phải có độ mềm, mịn và lỏng tương tự như sữa chua đã khuấy đều để bé có thể làm quen dần dần. Tỉ lệ gạo : nước được khuyến khích ở giai đoạn này là 1:10. Ngoài ra, thức ăn của bé cũng nên được tăng dần từ lỏng tới đặc khi bé đã làm quen. Mẹ không nên vội vàng cho con ăn thức ăn đặc ngay vì có thể khiến bé nôn trớ và sinh ra cảm giác sợ ăn.
Thực phẩm có thể dùng trong giai đoạn này
Trong giai đoạn này, mẹ cần đảm bảo bữa ăn của con đầy đủ 3 nhóm chất dinh dưỡng, bao gồm: tinh bột, đạm, vitamin và khoáng chất. Hàm lượng các chất này đều có trong các loại thực phẩm phổ biến, cụ thể như sau:
- Nhóm tinh bột: Có nhiều trong cháo gạo (tỉ lệ 1: 10), bánh mì, khoai lang, khoai tây, chuối…
- Nhóm chất đạm: Mẹ có thể bổ sung đạm cho bé thông qua các loại thực phẩm như đậu phụ, thịt cá trắng, lòng đỏ trứng gà, phô mai, sữa chua...
- Nhóm vitamin và khoáng chất: Có phổ biến trong các loại rau củ có màu đỏ, cam hoặc màu xanh đậm như: cà rốt, bí đỏ, bông cải xanh, táo, dâu…
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 1 cho bé
Lưu ý
- 5 - 6 tháng tuổi là thời điểm bé đã bắt đầu có thể ăn dặm. Mẹ nên lựa chọn ngày con khỏe mạnh và vui vẻ để bắt đầu tập ăn.
- Thời gian ban đầu, mẹ chỉ nên cho bé ăn một vài thìa để làm quen dần, tuyệt đối không ép con ăn vì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ sau này.
- Thực phẩm cần được chế biến mềm. Mẹ nên chọn thực phẩm tươi sống, không sử dụng đồ đông lạnh. Với cháo, cần được nấu loãng gần giống với nước cho bé ăn.
- Mẹ nên tập cho con ăn vào những khung giờ nhất định để hình thành nếp ăn và quen với chế độ mới.
Thực đơn 30 ngày ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 2 - MoguMogu
Bước vào giai đoạn thứ 2, bé đã làm quen dần với ăn dặm, kỹ năng ăn của con cũng phát triển hơn. Do đó, mẹ có thể chế biến thức ăn đặc hơn, thực phẩm cũng đã bắt đầu có thể sử dụng phong phú và đa dạng hơn.
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 2 khi bé đã quen với ăn dặm
Thời điểm
Thông thường, bé sẽ bước vào giai đoạn MoguMogu trong quá trình ăn dặm kiểu Nhật khi được 7 - 8 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, lưỡi của bé bắt đầu tham gia vào quá trình làm mềm thức ăn. Lúc này, lưỡi sẽ kết hợp với vòm hàm trên để nghiền thức ăn, sau đó, đẩy thức ăn vào sâu trong cổ họng.
Phương pháp chế biến thức ăn
Với những thay đổi trong kỹ năng ăn của trẻ cùng sự tham gia của lưỡi để nghiền thức ăn, mẹ có thể tăng độ thô của bữa ăn lên, không cần phải làm mềm, mịn giống giai đoạn Gokkun. Trong giai đoạn MoguMogu, thức ăn bắt đầu đặc hơn và có lẫn những mảnh thức ăn nhỏ ở bên trong để bé có thể rèn luyện kỹ năng dùng lưỡi và vòm hàm trong việc nghiền nhuyễn đồ ăn. Tuy nhiên, mẹ cũng cần theo dõi cách ăn của bé để xem bé đã tập nhai chưa hay vẫn còn nuối chửng. Nếu bé vẫn nuốt chửng, mẹ có thể quay lại giai đoạn Gokkun.
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 3 cần chế biết thức ăn
Thực phẩm có thể dùng trong giai đoạn này
Thực phẩm trong giai đoạn này của con vẫn chủ yếu là 3 nhóm tinh bột, đạm, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, các loại thực phẩm được sử dụng ở giai đoạn MoguMogu đã phong phú hơn so với giai đoạn Gokkun. Mẹ có thể tham khảo một số loại thực phẩm sau:
- Nhóm đường bột: Yến mạch, cháo theo tỷ lệ 1:7, mỳ, bún…
- Nhóm chất đạm: cá (cá hồi, cá ngừ), đậu hũ, lòng đỏ trứng, thịt ức gà…
- Các sản phẩm từ sữa: sữa chua, phô mai...
- Nhóm vitamin và chất xơ: chủ yếu có trong các loại rau, củ, quả: nấm tươi, rong biển, măng tây, rau dền, hành lá, ớt chuông, rau dền, cải cúc...
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 3 - KamiKami
Bước vào giai đoạn KamiKami, kỹ năng ăn của con đã khá thành thục, có thể dễ dàng nghiền nát thức ăn mềm. Bên cạnh đó, con cũng bắt đầu học cách ăn tự lập, vì vậy, nếu thấy bé dùng tay bốc thức ăn, mẹ cũng không cần quá lo lắng mà ngăn cản con. Ngoài ra, bé cũng bắt đầu biết từ chối những món ăn mà mình không thích bằng các hành động như lắc đầu, xua tay, mím chặt miệng,...
Thời điểm
Giai đoạn KamiKami trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật diễn ra khi bé được khoảng 9 - 11 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, bên cạnh lưỡi, bé cũng bắt đầu sử dụng lợi để có thể gặm nhấm và làm nát thức ăn. Do đó, khi con bước sang giai đoạn 3 trong quá trình ăn dặm, mẹ cũng nên thay đổi phương pháp chế biến thức ăn để phù hợp với sự phát triển của con.
Phương pháp chế biến thức ăn
Do kỹ năng ăn nhai của con đã thuần thục hơn, do đó, mẹ có thể cắt thực phẩm thành các miếng nhỏ rồi nấu mềm cho con ăn. Mẹ có thể nấu đặc hơn, thái đồ ăn to hơn và nấu cứng hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển toàn diện nên dù khả năng nghiền nát thức ăn của con đã khá tốt, mẹ vẫn cần nấu thức ăn tới một độ mềm nhất định, tương đương với độ mềm của chuối chín để cho bé ăn.
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 3 khi bé khoảng 9 - 11 tháng tuổi
Thực phẩm có thể dùng trong giai đoạn này
Trong giai đoạn này, mẹ vẫn cần phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ 3 nhóm đường bột, đạm, vitamin và khoáng chất.
- Tinh bột: cháo, mì, bánh mì, bún...
- Chất đạm: thịt, cá (cá hồi, cá ngừ), đậu phụ, phô mai, gà…
- Vitamin và chất xơ: bông cải xanh, khoai tây, khoai lang, các loại hạt…
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 4 - PakuPaku
Đây là giai đoạn cuối cùng trong hành trình ăn dặm theo phương pháp kiểu Nhật của bé. Lúc này, kỹ năng ăn của con đã hoàn thiện, có thể ăn như người lớn và hầu như không gặp phải trở ngại nào.
Thời điểm
Giai đoạn PakuPaku trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thường diễn ra khi bé được 12 - 18 tháng tuổi. Lúc này, một số bé đã bắt đầu cai sữa. Bé cũng đã bắt đầu xuất hiện những chiếc răng đầu tiên nên hoàn toàn có thể nhai, cắn thức ăn.
Phương pháp chế biến thức ăn
Ở giai đoạn này, mẹ đã có thể thái thức ăn to hơn và nấu cứng hơn lúc trước một chút. Kích thước củ quả có thể to bằng hạt lạc, độ nhừ vừa phải là khi mẹ dùng thìa ấn nhẹ mà thức ăn nát ra. Khi mới bắt đầu sang giai đoạn 4, mẹ nên nấu cơm nát cho bé ăn, khi đã quen dần, mẹ có thể cho bé ăn cơm như người lớn và ăn theo bữa cùng với cả nhà.
Mẹ cũng lưu ý không nêm gia vị vào món ăn của con vì thận của bé ở giai đoạn này còn yếu. Bên cạnh đó, việc cho bé ăn mặn sẽ khiến con quen và không chịu ăn các món có vị nhạt nữa.
Ăn dặm kiểu Nhật giai đoạn 4 khi bé khoảng 12 - 18 tháng tuổi
Thực phẩm có thể dùng trong giai đoạn này
Giai đoạn này mẹ vẫn đảm bảo đủ 3 nhóm dinh dưỡng thiết yếu cho con là tinh bột, đạm, chất xơ và vitamin.
- Nhóm tinh bột: cơm nát, cháo (tỉ lệ 1:4 hoặc 1:3), bánh mì, mì, bún...
- Nhóm chất đạm: thịt, gà, cá (cá hồi, cá ngừ), đậu phụ, trứng...
- Chất xơ và vitamin: súp lơ, rau cải, cà rốt, khoai lang, xà lách, đậu, măng tây...
- Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cho con ăn thêm bánh ăn dặm cho bé để vừa được bổ sung dưỡng chất, vừa rèn luyện kỹ năng nhai một cách hiệu quả. Với bánh ăn dặm, mẹ cần chọn loại có độ mềm nhất định, giòn xốp, tan trong nước và là sản phẩm hữu cơ để đảm bảo sức khỏe cho con.
Trên đây là 4 giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật cho bé mà mẹ có thể tham khảo và áp dụng cho bé nhà mình. Tuy nhiên, các mốc thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào sự phát triển của mỗi bé. Mẹ nên quan sát khả năng ăn nuốt của con để có sự điều chỉnh độ đặc cũng như độ cứng phù hợp với bé.