Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và những lợi ích tuyệt vời cho trẻ nhỏ
Đăng ngày 20/09/2022
Nội dung chính |
Ăn dặm kiểu Nhật cho bé
Ăn dặm kiểu Nhật hay còn được biết đến là cách cho con ăn của các bà mẹ người Nhật Bản. Đây là phương pháp phối hợp giữa các loại thực phẩm khác nhau, mỗi món ăn sẽ được chế biến riêng và đặt cùng nhau trên bàn ăn để trẻ có thể lựa chọn tùy thích.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé phát triển toàn diện
Sự phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau không chỉ đảm bảo đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng cho trẻ mà còn kích thích trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt, bữa ăn của trẻ cũng vui hơn. Đặc biệt, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật còn giúp trẻ tăng tính tự lập và tư duy phân biệt các loại thực phẩm khác nhau.
Ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật
Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật
Thông thường, ăn dặm kiểu Nhật sẽ được chia thành 4 giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn phát triển kỹ năng ăn của bé. 4 giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn Gokkun ( 5-6 tháng tuổi): Đây là giai đoạn bé bắt đầu làm quen với ăn dặm, kỹ năng của bé chủ yếu là nuốt chửng. Do đó, ở giai đoạn này, mẹ chủ yếu tập cho bé ăn bằng muỗng và làm quen với các vị thức ăn dặm khác ngoài sữa. Thức ăn trong giai đoạn Gokkun cũng phải mềm, mịn và lỏng để bé dễ nuốt.
- Giai đoạn MoguMogu (7-8 tháng tuổi): Trong giai đoạn này, lưỡi bắt đầu tham gia vào hoạt động làm mềm thức ăn. Không chỉ giúp đẩy thức ăn từ khoang miệng vào sâu bên trong cổ họng, lưỡi của trẻ trong giai đoạn này cũng bắt đầu kết hợp với vòm hàm trên để nghiền thức ăn. Do đó, khi bắt đầu sang giai đoạn này, mẹ có thể cho bé ăn các loại thức ăn đặc hơn, thậm chí có thể lẫn những mảnh thức ăn nhỏ bên trong để kỹ năng ăn của con được phát triển.
- Giai đoạn KamiKami (9-11 tháng tuổi): Ở giai đoạn này, bé có thể nhai thức ăn thuần thục bằng lợi. Do đó, mẹ nên nấu thức ăn thật mềm (tương đương độ mềm của chuối) để con có thể tiêu hóa dễ dàng. Với một số món như trái cây hay rau, củ, quả, mẹ có thể để cả thanh dài để bé có thể tập kỹ năng ăn bốc.
- Giai đoạn PakuPaku (12-18 tháng tuổi): Lúc này, bé đã có nhiều răng hơn, có thể nhai, nuốt một cách dễ dàng. Trong giai đoạn này, bé bắt đầu học cắn thức ăn bằng răng cửa. Do đó, mẹ nên quan sát để điều chỉnh độ cứng của thức ăn cho phù hợp với bé. Thức ăn của con ở giai đoạn này cũng không cần nấu mềm như trước. Mẹ có thể bắt đầu cho bé học cách cầm thìa xúc thức ăn để rèn tính tự lập cho con.
Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật bao gồm 4 giai đoạn
Ăn dặm kiểu Nhật có tác dụng gì?
Dễ dàng làm quen với mùi vị các loại thức ăn
Ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp con nhận biết được mùi vị của từng loại thực phẩm khác nhau do phương pháp này ưu tiên việc nấu riêng biệt từng món, không trộn lẫn vào nhau giống phương pháp truyền thống.
Bé không cảm thấy chán ăn
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật giúp đa dạng bữa ăn của con, giúp kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Bên cạnh đó, việc này còn giúp trẻ định hình được sở thích ăn uống. Bé được ăn từng món và lựa chọn món mình thích. Đây cũng là một cách giúp mẹ nhận biết được loại thực phẩm yêu thích của con cũng như con có bị dị ứng với thực phẩm nào hay không.
Hình thành thói quen ăn nghiêm túc
Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, bé sẽ được ngồi ăn trên ghế ăn, không đi rong, không bật ti vi, không điện thoại, máy tính… Việc này giúp bé hình thành thói quen ăn nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ. Nhờ phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, bé sẽ hình thành tính tự lập trong bữa ăn, mẹ sẽ không phải đút từng muỗng hoặc làm đủ trò để dỗ dành con ăn. Bữa ăn của bé kết thúc một cách “nhanh gọn lẹ” trong khoảng 15 - 20 phút.
Kỹ năng ăn của bé được phát triển nhờ phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Hạn chế của ăn dặm kiểu Nhật
Tốn nhiều thời gian chuẩn bị
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sẽ khiến mẹ phải tốn thêm thời gian để lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu cũng như chế biến vì các món ăn của con cần đảm bảo đúng theo tỉ lệ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé và phải liên tục thay đổi đa dạng để con không cảm thấy chán ăn.
Bên cạnh đó, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hầu như không nêm thêm gia vị. Do đó, mẹ buộc phải kết hợp các loại rau củ để tạo nên hương vị thơm ngon, kích thích sự thèm ăn ở trẻ.
Chậm tăng cân ở giai đoạn đầu
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hướng tới sự tôn trọng sở thích của trẻ. Với phương pháp này, bé được lựa chọn món mình thích, không bị ép ăn hết toàn bộ các món đã được chế biến. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu, bé sẽ chậm tăng cân hơn so với các bé ăn dặm theo phương pháp truyền thống.
Cách ăn dặm kiểu Nhật cho bé
Mẹ chỉ nên cho bé tập ăn dặm kiểu Nhật khi con được khoảng 5 - 6 tháng tuổi. Ban đầu, mẹ nên cho bé thử 1 vài thìa trước, đồ ăn cũng nên được nấu lỏng như nước để con có thể làm quen. Sau khi đã quen với ăn dặm, mẹ bắt đầu tăng độ đặc của thức ăn lên và đa dạng các loại thực phẩm cho con.
Ngoài ra, với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mẹ ưu tiên giã mịn thức ăn cho con thay vì xay nhuyễn để rèn khả năng ăn thô cho bé. Trong giai đoạn đầu, mẹ nên tách riêng từng món để bé có thể nhận biết mùi vị các loại thực phẩm. Ở giai đoạn sau, mẹ có thể kết hợp chúng với nhau.
Bên cạnh đó, để tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cũng nên tạo môi trường ăn phù hợp, để cho bé tự ăn và chọn món mình yêu thích để hình thành thói quen tự lập trong ăn uống.
Cách ăn dặm kiểu Nhật khác với phương pháp truyền thống
Lưu ý khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Không bắt buộc phải dùng thực phẩm của người Nhật
Mặc dù là phương pháp ăn dặm kiểu Nhật nhưng mẹ không nhất thiết phải dùng thực phẩm của người Nhật. Phương pháp ăn dặm này chủ yếu lựa chọn các loại nguyên liệu tươi sống, hạn chế đồ đông lạnh hay chế biến sẵn vì chúng chứa quá nhiều gia vị. Do đó, mẹ có thể sử dụng các nguyên liệu được bán tại Việt Nam, chỉ cần đảm bảo về nguồn gốc cũng như độ tươi của thực phẩm.
Thời điểm lý tưởng để ăn dặm kiểu Nhật
Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, thông thường, mẹ có thể bắt đầu cho bé tập ăn khi bé được khoảng 5 tháng 15 ngày. Tuy nhiên, mẹ cũng nên quan sát sự phát triển của bé như: giữ vững cổ, tự ngồi được, tỏ ra thích thú với thức ăn và khi đưa thìa vào miệng bé, bé ít dùng lưỡi đẩy ra thì đó là lúc mẹ có thể bắt đầu cho con làm quen với ăn dặm kiểu Nhật.
Mẹ cần làm gì khi bé không hợp tác ăn dặm kiểu Nhật?
Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, ban đầu, con có thể không quen và không hợp tác. Lúc đó, mẹ cần phải kiên nhẫn, tuyệt đối không ép con ăn vì nó có thể dẫn tới tâm lý sợ hãi ở trẻ. Mỗi bữa, mẹ có thể cho con thử vài thìa để bé dần làm quen hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên thường xuyên điều chỉnh công thức để bé được thử đa dạng các loại thực phẩm. Dần dần, bé sẽ học được những gì mẹ dạy và hình thành nếp ăn khoa học.
Trên đây là một số ưu điểm tuyệt vời của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đối với trẻ nhỏ cũng như những hạn chế của nó. Mẹ có thể tham khảo và lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp nhất với bé yêu nhà mình nhé!