Thành phần của sữa mẹ và những điều cần biết
Đăng ngày 07/12/2024

Nội dung chính Sự thay đổi thành phần trong sữa mẹ Yếu tố ảnh hưởng đến thành phần sữa mẹ |
Thành phần của sữa mẹ
Sữa mẹ bao gồm nhiều thành phần phong phú, được thiết kế hoàn hảo để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Trong đó phải kể tới các thành phần như:
Thành phần của sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng
Nước
Nước chiếm khoảng 87-90% trong sữa mẹ, giúp bé dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng và duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Nhờ hàm lượng nước cao, trẻ bú mẹ thường không cần bổ sung nước ngoài, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ.
Carbohydrate
Thành phần carbohydrate chính trong sữa mẹ là lactose, cung cấp tới 40% nhu cầu năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Ngoài lactose, trong sữa mẹ còn chứa oligosaccharide, đây được xem là 2 loại carbohydrate quan trọng nhất. Chúng không chỉ thúc đẩy lợi khuẩn đường ruột, bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ, mà còn giảm số lượng hại khuẩn có trong dạ dày, cải thiện tình trạng hấp thu dinh dưỡng. Nhờ đó, trẻ phát triển khỏe mạnh, không gặp các vấn đề liên quan tới tiêu hóa như bệnh tiêu chảy. Bên cạnh đó, lactose còn cung cấp năng lượng cho bé và hỗ trợ sự phát triển của não bộ.
Lipid (Chất béo)
Chất béo là thành phần quan trọng trong sữa mẹ. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 3 - 5% tổng lượng dinh dưỡng nhưng nó lại là nguồn cung cấp năng lượng chính cho trẻ. Chất béo trong sữa mẹ cung cấp tới 50% năng lượng hàng ngày cho bé.
Chất béo trong sữa mẹ chủ yếu là Triglyceride và các axit béo không bão hòa như DHA và ARA, giúp phát triển võng mạc, bộ não, các mô thần kinh và hệ miễn dịch của bé hoàn thiện. Bên cạnh đó, chất béo trong sữa mẹ còn chứa một loại acid béo ngắn, có khả năng đẩy chất thải tương tự như chất xơ. Nhờ đó mà trẻ bú sữa mẹ không bị táo bón. Ngoài ra, chất béo trong sữa mẹ cũng là dung môi để trẻ dễ dàng hấp thụ một số vitamin tan trong dầu.
Trong sữa mẹ có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng
Protein
Protein cũng là một thành phần của sữa mẹ. Protein trong sữa mẹ bao gồm whey (chiếm khoảng 60%) và casein (khoảng 40%). Hai loại protein này có đặc tính dễ tiêu hóa và chống nhiễm trùng cao. Nhờ vậy, trẻ bú sữa mẹ cũng tiêu hóa tốt hơn, ít ốm vặt.
Ngoài ra, thành phần của sữa mẹ còn có các protein khác như lactoferrin, immunoglobulin A (IgA) và lysozyme giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh.
Tìm hiểu thêm: đạm whey là gì
Vitamin và khoáng chất
Không chỉ có nước, đạm, chất béo, bột đường, trong thành phần của sữa mẹ còn có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất. Nổi bật như:
- Canxi: Giúp xương và răng của trẻ phát triển chắc khỏe.
- Sắt: Sữa mẹ chứa một lượng nhỏ sắt nhưng tỷ lệ hấp thụ lên đến 50%, cao hơn nhiều so với sữa công thức.
- Các loại vitamin như A, D, E, K và nhóm B: Đóng vai trò hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.
Kháng thể
Không phải ngẫu nhiên mà sữa mẹ được ví như “liều thuốc miễn dịch” cho trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là trong sữa mẹ có chứa rất nhiều kháng thể, đặc biệt là IgA, giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng và các bệnh lý. Ước tính, trong một cữ bú có tới hàng triệu bạch cầu sống từ sữa mẹ và các globulin miễn dịch được đi vào cơ thể của trẻ. Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ sơ sinh, hình thành hệ miễn dịch tự nhiên, ngăn vi khuẩn tấn công, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời.
Enzyme và hormone
Điểm khác biệt lớn nhất trong thành phần của sữa mẹ và sữa công thức phải kể đến enzyme và hormone. Đây là thành phần mà không thể tìm thấy được ở bất kỳ loại sữa công thức nào. Trong sữa mẹ có chứa các enzyme như lipase và amylase, hỗ trợ tiêu hóa chất béo và tinh bột. Bên cạnh đó, sữa mẹ còn chứa các hormone như prolactin và oxytocin giúp điều tiết sản xuất sữa. Các loại enzyme và hormone này có thể chịu ảnh hưởng bởi khẩu phần ăn của mẹ và làm thay đổi mùi vị sữa. Nhờ đó, bé sẽ được làm quen với nhiều hương vị từ sớm.
Sự thay đổi thành phần trong sữa mẹ
Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất quý nhưng nó lại không cố định mà có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của trẻ cũng như các yếu tố khác. Cụ thể:
Theo độ tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ
Ở mỗi giai đoạn, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ là khác nhau. Vì vậy, sữa mẹ cũng thay đổi theo để đáp ứng được nhu cầu của bé. Sự thay đổi này được chia làm 3 giai đoạn chính:
- Sữa non (Colostrum): Xuất hiện trong 2-3 ngày đầu sau sinh. Sữa non thường đặc hơn bình thường và có màu vàng đậm hoặc vàng nhạt. Trong sữa non không có quá nhiều hàm lượng lactose cũng như chất béo và các loại vitamin tan trong nước. Tuy nhiên, sữa non lại rất giàu protein, kháng thể và các loại vitamin tan trong dầu. Nhờ đó, trẻ bú sữa non sẽ được tăng cường sức đề kháng, giúp bảo vệ trẻ khỏi vi-rút và vi khuẩn tấn công. (Đừng bỏ qua: Bầu mấy tháng có sữa non)
- Sữa chuyển tiếp: Tiết ra sau khoảng 4 - 10 ngày sau sinh. Lúc này, lượng sữa chuyển tiếp về tương đối nhiều vì tuyến sữa chưa nhận biết được nhu cầu của bé. Thành phần kháng thể trong giai đoạn sữa chuyển tiếp sẽ ít hơn so với sữa non. Nhưng ngược lại, sữa chuyển tiếp nhiều lactose và chất béo hơn, đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ.
- Sữa trưởng thành: Xuất hiện sau 2 tuần. Lúc này, sữa có màu trắng đục, loãng hơn so với sữa non. Trong sữa trường thành chứa nhiều nước, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất, carbohydrate, men và hormone, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé.
Sữa mẹ thay đổi theo nhu cầu, độ tuổi của bé
Theo cữ bú
Không chỉ thay đổi theo độ tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, thành phần của sữa mẹ còn thay đổi theo từng cữ bú. Cụ thể:
- Sữa đầu: Loãng hơn, lượng nước cao, chứa nhiều đạm, vitamin và khoáng chất.
- Sữa cuối: Hàm lượng chất béo cao hơn, cung cấp năng lượng và hỗ trợ bé tăng cân.
Do đó, mẹ nên để bé bú hết 1 bên rồi mới chuyển sang bên còn lại để nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Thành phần của sữa mẹ thay đổi theo từng cữ bú
Thay đổi theo thời gian trong ngày
Ngoài nhu cầu dinh dưỡng, cữ bú, thành phần của sữa mẹ còn thay đổi theo thời gian trong ngày. Vào buổi sáng, sữa mẹ thường chứa nhiều lactose và nước để bé khởi động một ngày mới. Hàm lượng chất béo vào buổi sáng sẽ thấp hơn, giúp trẻ dễ tiêu hóa, phù hợp cho quá trình khởi động cơ thể.
Vào buổi tối, sữa mẹ lại có hàm lượng chất béo và calo cao hơn, giúp trẻ no lâu, hỗ trợ giấc ngủ sâu và ổn định. Ngoài ra, sữa mẹ vào buổi tối còn chứa melatonin, một hormone hỗ trợ điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ, giúp trẻ thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Yếu tố ảnh hưởng đến thành phần sữa mẹ
Không chỉ thay đổi bởi các tác động sinh lý, thành phần của sữa mẹ còn có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như:
Chế độ dinh dưỡng của mẹ
Dinh dưỡng là nền tảng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa mẹ. Một chế độ ăn đa dạng, giàu dưỡng chất không chỉ giúp đảm bảo đầy đủ các thành phần thiết yếu trong sữa như protein, chất béo, vitamin, mà còn tăng cường các yếu tố miễn dịch như kháng thể. Nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ nghèo nàn, các thành phần tương ứng trong sữa mẹ cũng sẽ bị suy giảm, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé.
Tìm hiểu thêm: Mẹ ăn gì để sữa mát cho con tăng cân, phát triển toàn diện
Tình trạng sức khỏe của mẹ
Sức khỏe thể chất và tinh thần của mẹ đều ảnh hưởng sâu sắc đến thành phần sữa. Khi mẹ bị ốm, suy nhược hay mắc bệnh mãn tính, khả năng sản xuất sữa có thể giảm, đồng thời các chất dinh dưỡng trong sữa cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ, khi mẹ bị thiếu máu, hàm lượng sắt trong sữa mẹ có thể bị suy giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
Mặt khác, tâm lý của người mẹ cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Căng thẳng, lo âu hay trầm cảm sau sinh có thể làm giảm hormone oxytocin – một hormone quan trọng giúp kích thích dòng chảy sữa, từ đó ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sữa mẹ.
Tần suất cho bé bú
Quá trình sản xuất sữa mẹ hoạt động theo nguyên lý “cung - cầu”. Khi mẹ cho bé bú thường xuyên và đều đặn, cơ thể mẹ sẽ nhận được tín hiệu để sản xuất nhiều sữa hơn, đồng thời duy trì chất lượng sữa ổn định.
Ngược lại, nếu mẹ cho bé bú không đều, hoặc bỏ qua các cữ bú, lượng sữa tiết ra sẽ giảm dần, hàm lượng một số chất dinh dưỡng như chất béo hay protein trong sữa có thể bị thay đổi.
Tần suất cho bé bú ảnh hưởng tới thành phần của sữa mẹ
Lời khuyên giúp duy trì chất lượng sữa
Để thành phần sữa mẹ được duy trì và đảm bảo, mẹ nên tuân theo một số lời khuyên sau:
Ăn uống đầy đủ và đa dạng
Như đã đề cập ở trên, dinh dưỡng là yếu tố tác động trực tiếp tới chất lượng sữa. Do đó, mẹ nên ăn uống đầy đủ và đa dạng, không cần kiêng khem quá mức. Mẹ nên tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt nạc, cá, trứng để bổ sung DHA, protein cho cả mẹ và bé.
Mẹ cũng đừng quên bổ sung rau xanh và trái cây tươi vì đây đều là nguồn dinh dưỡng dồi dào, bổ sung chất xơ và vitamin cho mẹ. Từ đó, giúp duy trì nguồn sữa dồi dào, sữa thơm và giàu dinh dưỡng.
Ăn uống đầy đủ để sữa mẹ chất lượng hơn
Cho con bú thường xuyên
Càng bú nhiều, sữa sẽ càng tiết ra nhiều. Vì vậy, mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu, cả ngày lẫn đêm, để cơ thể liên tục nhận tín hiệu sản xuất sữa. Nếu không thể cho bú trực tiếp, mẹ nên sử dụng máy hút sữa để duy trì lượng sữa ổn định. Đặc biệt, mẹ nên đảm bảo bé bú cạn cả hai bên ngực để tận dụng cả sữa đầu giàu nước và sữa cuối giàu chất béo.
Tinh thần thoải mái
Tâm lý căng thẳng, lo âu hay trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn làm giảm lượng hormone oxytocin, khiến dòng chảy sữa bị chậm lại. Để duy trì tâm trạng tốt, mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi, chia sẻ công việc chăm con với người thân. Mẹ cũng có thể thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như đi dạo, nghe nhạc hoặc tập yoga để giải tỏa căng thẳng.
Ngủ nghỉ hợp lý
Giấc ngủ đầy đủ là yếu tố quan trọng giúp mẹ duy trì sức khỏe và sản xuất sữa hiệu quả. Việc chăm con nhỏ có thể khiến mẹ khó có được giấc ngủ trọn vẹn nhưng mẹ nên cố gắng tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể. Các giấc ngủ ngắn trong ngày cũng có tác dụng phục hồi năng lượng. Ngoài ra, một giấc ngủ sâu vào ban đêm, dù chỉ 4 - 5 tiếng cũng sẽ giúp cơ thể mẹ tái tạo năng lượng và tăng tiết sữa.
Mẹ nên nghỉ ngơi hợp lý để duy trì chất lượng sữa
Tránh một số loại thực phẩm
Mặc dù không cần kiêng khem quá mức, tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cũng như hương vị sữa, mẹ nên tránh một số loại thực phẩm như đồ uống chứa cafein (cà phê, trà đặc, nước tăng lực) có thể khiến bé khó chịu hoặc mất ngủ, rượu bia tác động xấu tới sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, các món ăn có mùi vị quá mạnh như hành tỏi, mắm tôm hoặc các thực phẩm chế biến sẵn nhiều gia vị cũng nên hạn chế vì có thể làm thay đổi mùi vị sữa, khiến bé không bỏ bú.
Những câu hỏi thường gặp về thành phần của sữa mẹ
Trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, các mẹ sẽ gặp không ít băn khoăn, rắc rối, đặc biệt là với những bà mẹ sinh con lần đầu. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về thành phần sữa mẹ trong quá trình nuôi con. Hy vọng sẽ giúp các mẹ giải đáp được một số thắc mắc.
Sữa mẹ đông lạnh có bị mất chất dinh dưỡng không?
Sữa mẹ đông lạnh có thể bị mất một phần chất dinh dưỡng, đặc biệt là kháng thể miễn dịch như IgA, vốn nhạy cảm với nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, các thành phần quan trọng khác như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất vẫn được giữ lại phần lớn. Dù chất dinh dưỡng bị giảm nhẹ nhưng đây vẫn là lựa chọn tốt để đảm bảo bé được cung cấp sữa mẹ khi không thể bú trực tiếp.
Để hạn chế tối đa sự mất mát dinh dưỡng, mẹ cần bảo quản sữa đúng cách:
- Sữa mẹ nên được đông lạnh ngay sau khi vắt trong túi hoặc bình chuyên dụng.
- Nhiệt độ bảo quản nên dưới -18°C, và sữa có thể giữ chất lượng tốt nhất trong vòng 6 tháng.
- Khi rã đông, mẹ nên để sữa trong ngăn mát tủ lạnh trước rồi hâm ấm bằng nước nóng dưới 40°C. Tránh sử dụng lò vi sóng vì nhiệt độ cao không đều có thể phá hủy dinh dưỡng.
Sữa đông lạnh không bị mất quá nhiều dinh dưỡng
Sau 1 tuổi, sữa mẹ có tốt cho trẻ nhỏ không?
Dù không còn là thức ăn chính nhưng sau 1 tuổi, sữa mẹ vẫn là một nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ nhỏ, đem lại nhiều lợi ích quan trọng như:
- Bổ sung dinh dưỡng: Sữa mẹ chứa các vitamin, khoáng chất, và chất béo cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của trẻ. Mặc dù không đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng của trẻ nhưng đây vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt cho bé.
- Kháng thể và lợi khuẩn: Sau 1 tuổi, sữa mẹ vẫn giàu kháng thể IgA, giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, đặc biệt trong những năm đầu đời khi hệ miễn dịch của trẻ vẫn đang phát triển.
- Linh hoạt trong chế độ ăn: Trong những ngày trẻ kén ăn hoặc không hấp thụ đủ thực phẩm, sữa mẹ có thể giúp bù đắp phần năng lượng và dinh dưỡng thiếu hụt.
Tuy vậy, ở giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cân đối giữa ăn dặm và uống sữa của con. Mẹ không nên để sữa thay thế hoàn toàn khẩu phần ăn trong ngày. Điều này có thể khiến con thiếu hụt dinh dưỡng và chậm phát triển.
Sữa mẹ có canxi không? Trẻ bú mẹ có cần bổ sung thêm canxi?
Sữa mẹ có canxi không là câu hỏi không ít mẹ thắc mắc. Trên thực thế, sữa mẹ chứa lượng canxi đủ cho trẻ trong 6 tháng đầu. Đặc biệt, canxi trong sữa mẹ còn là loại dễ hấp thụ nhờ sự kết hợp với các khoáng chất và vitamin như phốt pho và vitamin D. Do đó, với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ không cần bổ sung thêm canxi từ bất kỳ nguồn nào.
Tuy nhiên, khi trẻ trên 6 tháng tuổi, nhu cầu canxi tăng lên. Vì vậy ngoài bú mẹ, phụ huynh nên bổ sung thực phẩm giàu canxi hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần sử dụng thêm sản phẩm hỗ trợ.
Hàm lượng sắt trong sữa mẹ là bao nhiêu?
Hàm lượng sắt trong sữa mẹ là bao nhiêu cũng được nhiều người quan tâm. Hàm lượng sắt trong sữa mẹ thường vào khoảng 0,35 mg/L, thấp hơn so với nhu cầu phát triển của trẻ. Tuy nhiên, sắt trong sữa mẹ lại có tỷ lệ hấp thụ rất cao (khoảng 50 - 70%), cao hơn nhiều so với sữa công thức hoặc các nguồn thực phẩm khác. Nhờ khả năng hấp thụ này, trẻ bú mẹ hoàn toàn ít gặp tình trạng thiếu sắt trong 6 tháng đầu.
Khi trẻ trên 6 tháng tuổi, nhu cầu sắt tăng lên để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng, các mẹ cần bổ sung sắt cho trẻ thông qua thực phẩm như thịt, cá, lòng đỏ trứng hoặc ngũ cốc.
Thành phần của sữa mẹ là một hệ thống dinh dưỡng hoàn chỉnh và linh hoạt, được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Bằng cách duy trì chế độ ăn uống khoa học, tinh thần thoải mái và thói quen cho bú đều đặn, mẹ có thể tối ưu chất lượng sữa, mang lại lợi ích lớn nhất cho con yêu. Hy vọng với những thông tin trên, mẹ đã có những hiểu biết cơ bản về thành phần sữa mẹ.